• Hiệu lực: Chưa ban hành
  • Ngày ban hành: 24/07/1962

CHỈ THỊ

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 78/TTG NGÀY 24 THÁNG 7 NĂM 1962
VỀ VIỆC BẢO ĐẢM AN TOÀN TRONG KHI BẢO QUẢN, VẬN CHUYỂN, PHÂN PHỐI VÀ DÙNG THUỐC NỔ

 

Thuốc nổ là loại nguyên liệu rất cần thiết cho các công trường, hầm mỏ, các đoàn thăm dò địa chất... Nó giúp ta giảm bớt được nhiều tốn phí trong sản xuất, tiết kiệm được sức người, rút ngắn được thời gian sản xuất và giảm nhẹ cường độ lao động cho công nhân. Tuy nhiên bên cạnh những tác dụng đó, thuốc nổ cũng có thể trở nên nguy hiểm và gây ra thiệt hại về người, về của nếu việc vận chuyển, bảo quản và dùng không theo đúng quy tắc kỹ thuật và bảo đảm an toàn. Hơn nữa, những sơ hở thiếu sót trong khi bảo quản, vận chuyển, phân phối và dùng thuốc nổ còn có thể tạo ra những sơ hở cho bọn phản cách mạng hoạt động phá hoại.

Lâu nay, các ngành, các địa phương, các cơ sở sản xuất cũng đã nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề này. Bộ Công nghiệp đã ban hành điều lệ tạm thời về thuốc nổ, các ngành giao thông, địa chất... Đã quy định những quy tắc kỹ thuật trong việc dùng thuốc nổ. Nhiều mỏ đã cử người chuyên trách làm công tác bắn mìn và huấn luyện kỹ thuật cho họ. Một số kho được xây dựng tương đối an toàn, các thủ tục quản lý, cấp phát, bảo vệ đã được áp dụng. Nói chung việc bảo đảm an toàn trong khi bảo quản, vận chuyển, phân phối và dùng thuốc nổ đã có tiến bộ. Tuy nhiên đối chiếu với các nguyên tắc an toàn đã được quy định thì hiện nay nhiều nơi còn vi phạm nghiêm trọng. Việc vi phạm đó thường biểu hiện trên các mặt sau đây:

- Địa điểm kho đặt thuốc nổ cũng như cách kiến trúc kho chưa đảm bảo an toàn; nhiều kho thuốc nổ còn đặt ở nơi đông người, nhiều kho làm bằng tre, nứa, cửa kho không chắc chắn.

- Sổ sách xuất nhập kho không rành mạch, có khi số lượng thuốc nổ thực tế không khớp với sổ sách.

- Công tác bảo vệ các kho còn bị coi nhẹ. Có khi kho mìn lớn đặt nơi hẻo lánh nhưng khả năng và phương tiện bảo vệ lại rất tốn kém, phương tiện dụng cụ và biện pháp phòng cháy chống cháy còn rất thiếu.

- Việc phân phối thuốc nổ nhiều khi không có chế độ kiểm soát chặt chẽ, có nơi phân phát mìn theo khối lượng đất đá, hoặc cần đến đâu phát đến đó mà không kiểm tra theo dõi xem có dùng hết hay không. Có nơi còn bán mìn cho người làm đá, cho hợp tác xã sử dụng. Có nơi xảy ra tình trạng lấy mìn đem bán, đem đổi lấy lương thực, đem ném cá, v.v....

- Trong công việc dùng thuốc nổ, nhiều nơi không huấn luyện kỹ cho công nhân và dân công bắn mìn về quy tắc kỹ thuật, vì vậy đã xảy ra nhiều tai nạn lao động.

Sở dĩ có tình trạng nói trên là do nhiều ngành sản xuất và nhiều địa phương chưa thật chú trọng việc bảo đảm an toàn trong khi bảo quản và dùng thuốc nổ, chưa nghiên cứu kỹ những điều lệ và quy tắc đã có để hướng dẫn, đôn đốc các cơ sở thực hiện, mặt khác chưa tích cực giải quyết những khó khăn mắc mứu và các đề nghị của cơ sở về vấn đề này. Nhiều nơi cán bộ lãnh đạo các cơ sở sản xuất và xây dựng chưa nhận thức rõ và chưa nghiêm chỉnh chấp hành các quy tắc kỹ thuật trong việc bảo quản và dùng thuốc nổ, đồng thời xem nhẹ việc giáo dục cho công nhân nắm vững và thực hiện đúng những quy tắc đó, Uỷ ban hành chính các khu, thành phố, tỉnh nói chung cũng chưa quan tâm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện đúng các điều lệ quy tắc đã có trong phạm vi địa phương mình.

Hiện nay số lượng thuốc nổ dùng trong các ngành sản xuất, xây dựng ngày càng nhiều. Để khắc phục kịp thời những thiếu sót nói trên, tăng cường hơn nữa việc bảo đảm an toàn lao động và ngăn ngừa những trường hợp bất trắc có thể xảy ra, các ngành, địa phương cần tích cực thực hiện mấy công tác cấp thiết sau đây:

1. Phải giáo dục, nhắc nhở cán bộ, công nhân viên các ngành, các cơ sở có dùng thuốc nổ nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc bảo đảm an toàn trong khi bảo quản, vận chuyển, phân phối và dùng thuốc nổ, làm cho mọi người nâng cao tinh thần trách nhiệm, tinh thần cảnh giác và tinh thần kỷ luật trong việc chấp hành triệt để các điều lệ quy tắc đã có về vấn đề này. Riêng đối với công nhân dùng mìn, cần phải tăng cường hơn nữa giáo dục về quy tắc an toàn kỹ thuật và kiểm tra thường xuyên chấp hành các quy tắc đó.

2. Trong khi chờ đợi Nhà nước ban hành một điều lệ chung về bảo quản và dùng thuốc nổ, các ngành cần đôn đốc cấp dưới thi hành đúng những điều lệ, quy tắc mà ngành mình đã ban hành. Trong trường hợp bản điều lệ, quy tắc mà ngành mình còn thiếu sót hoặc chưa có cần phải áp dụng bản điều lệ tạm thời thuốc nổ do Bộ Công nghiệp nặng ban hành (Bộ Công nghiệp nặng có trách nhiệm cung cấp tài liệu đó cho các ngành và địa phương). Trong khi thi hành các điều lệ và quy tắc đã có, các ngành cần chú ý tổng kết kinh nghiệm để phục vụ cho việc xây dựng bản điều lệ chính thức sau này.

3. Dựa trên cơ sở bản điều lệ tạm thời về thuốc nổ của Bộ Công nghiệp nặng và các điều lệ, quy tắc của các Bộ khác đã ban hành, đồng thời đưa vào những kinh nghiệm đã tổng kết được trong khi thi hành, Bộ Công nghiệp nặng có trách nhiệm phối hợp với Bộ Lao động, Bộ Công an, Uỷ ban Khoa học Nhà nước, Bộ Giao thông vận tải và các Bộ hữu quan khác nghiên cứu bổ sung và sửa đổi thành một bản dự thảo điều lệ chính thức về bảo quản, vận chuyển, phân phối và dùng thuốc nổ để trình Hội đồng Chính phủ ban hành vào quý III năm nay.

4. Các ngành, các địa phương cần chú ý quản lý thật chặt chẽ số thuốc nổ của mình; phải phối hợp với các cơ quan lao động và Công an tổ chức ngay các cuộc kiểm tra về tình hình bảo quản, vận chuyển, phân phối và dùng thuốc nổ hiện nay, phát hiện kịp thời tình hình không an toàn và có biện pháp khắc phục các nguy cơ có thể gây ra tai hại bất ngờ và sửa chữa những thiếu sót, sở hở mà kẻ địch có thể lợi dụng để phá hoại. Sau cuộc kiểm tra này, các ngành, các địa phương cần phải thực hiện nghiêm chỉnh một chế độ kiểm tra thường xuyên và định kỳ về vấn đề này.

Việc đảm bảo an toàn trong khi bảo quản, vận chuyển, phân phối và dùng các loại thuốc nổ là việc rất quan trọng về kinh tế cũng như về chính trị. Các Bộ, các địa phương, các cơ sở sản xuất và xây dựng cần nghiên cứu thực hiện đầy đủ Chỉ thị này. Bộ Lao động và Bộ Công an có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra các ngành sản xuất, xây dựng và các địa phương thực hiện tốt Chỉ thị này và báo cáo kết quả cho Phủ Thủ Tướng