THÔNG TƯ
LIÊN BỘ CÔNG AN - VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
SỐ 427/TT-LB NGÀY 28 THÁNG 6 NĂM 1963 QUY ĐỊNH TẠM THỜI
MỘT SỐ NGUYÊN TẮC VỀ QUAN HỆ CÔNG TÁC GIỮA
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO VÀ BỘ CÔNG AN
Viện Kiểm sát và cơ quan công an đều là công cụ chuyên chính của Nhà nước dân chủ nhân dân, dưới sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng, nên mọi hoạt động đều xuất phát từ lợi ích của cách mạng. Tuy chức năng của mỗi ngành có khác nhau, nhưng nhiệm vụ chung đều là đấu tranh chống bọn phản cách mạng và các bọn phạm tội khác, giữ gìn trật tự an ninh, giữ gìn pháp chế, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ cách mạng, bảo vệ nhân dân, bảo vệ Tổ quốc.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nói trên, vì trước đây chưa có quy định cụ thể trong quan hệ công tác giữa hai ngành, nên mỗi ngành chưa phát huy được thật hết chức năng của mình, có khi còn làm trùng lẫn nhau.
Để bổ khuyết tình trạng trên và chấp hành Nghị quyết số 39 ngày 20-1-1962 của Bộ Chính trị, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an căn cứ vào luật lệ hiện hành tạm thời quy định một số nguyên tắc về quan hệ giữa hai ngành trong công tác điều tra, kiểm sát và kiểm sát giam giữ, nhằm đảm bảo việc điều tra và xử lý bọn phạm tội được đúng chính sách, đúng pháp luật và nhanh chóng. Sau một thời gian rút kinh nghiệm, hai ngành sẽ bổ sung chỉnh lý lại và sẽ đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xét thông qua.
CHƯƠNG I
PHÂN CÔNG ĐIỀU TRA
1. Về mặt trình tự tố tụng hình sự, cơ quan công an vừa có trách nhiệm khởi tố vụ án, bước đầu thu thập chứng cớ và khởi tố đối với bị can trong các vụ án phản cách mạng và các vụ phạm pháp về hình sự khác đã được phát hiện, vừa có trách nhiệm tiếp tục hoàn thành việc điều tra lập hồ sơ.
Viện Kiểm sát có nhiệm vụ kiểm sát việc điều tra của cơ quan điều tra; đồng thời cũng có nhiệm vụ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và điều tra lập hồ sơ những vụ phạm pháp hình sự.
2. Căn cứ vào nhiệm vụ và tình hình tổ chức hiện tại của hai ngành, cơ quan công an đảm nhiệm việc điều tra tất cả những vụ án phản cách mạng và những tội phạm khác phức tạp. Còn Viện Kiểm sát thì chủ yếu là làm nhiệm vụ kiểm sát điều tra, đồng thời trong phạm vi điều kiện và khả năng của mình, sẽ trực tiếp điều tra một số loại phạm pháp kinh tế và trị an xã hội mà kẻ phạm pháp và hành vi phạm pháp đã tương đối rõ.
3. Căn cứ vào nhiệm vụ nói trong điều 1, mỗi khi cơ quan công an thấy có việc phạm pháp xảy ra, thì sẽ khởi tố vụ án và bước đầu tiến hành thu thập các chứng cớ, như khám nghiệm hiện trường, tạm giữ tang vật, lấy lời khai đầu tiên của nhân chứng có mặt, tạm giữ và hỏi cung sơ bộ bị can... Theo như luật định.
Sau đó mới tuỳ theo sự phân công của giữa Viện Kiểm sát và Công an đã nói trong điều 2, mà hoặc tự mình đảm nhiệm việc tiếp tục điều tra lập hồ sơ, hoặc chuyển sang Viện Kiểm sát cùng cấp để tiếp tục hoàn thành điều tra hồ sơ.
4. Đối với những vụ án do Viện Kiểm sát điều tra lập hồ sơ thì cơ quan công an có trách nhiệm cung cấp tài liệu cần thiết, tiến hành khám người, khám nhà, bắt hoặc truy nã kẻ phạm tội theo yêu cầu của Viện Kiểm sát. Nếu xét thấy vụ án là phức tạp thì Viện Kiểm sát có thể hoặc yêu cầu cơ quan công an điều tra xác minh một số điểm, hoặc chuyển cả vụ án sang cơ quan công an tiếp tục hoàn thành điều tra lập hồ sơ.
5. Căn cứ vào Sắc luật số 103-SL/1005 ngày 20-5-1957 và Nghị định số 301-TTg ngày 10-7-1957 thì những cán bộ công an sau đây có quyền khởi tố hoặc đình chỉ khởi tố vụ án:
- Trưởng hoặc phó công an huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
- Trưởng hoặc phó khu công an thành phố;
- Trưởng hoặc phó đồn công an biên phòng;
- Giám thị trại cải tạo;
- Trưởng hoặc phó ban ty công an;
- Trưởng hoặc phó ty công an;
- Trưởng hoặc phó phòng ở Sở công an khu và thành phố;
- Giám đốc hoặc phó giám đốc Sở, khu công an;
- Cục trưởng hoặc cục phó ở Bộ Công an.
Theo điều 17 của luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, thì những kiểm sát viên từ cấp huyện, thị xã, khu phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương trở lên có quyền khởi tố vụ án hoặc đình chỉ khởi tố.
Khi thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc khởi tố của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát cấp tương đương trở lên có quyền huỷ bỏ quyết định khởi tố hoặc ra quyết định khởi tố vụ án khi thấy quyết định khởi tố hoặc đình chỉ khởi tố của cán bộ công an là không đúng.
Các quyết định khởi tố vụ án và các quyết định khởi tố đối với bị can đều phải gửi kịp thời cho Viện Kiểm sát cấp tương đương để làm nhiệm vụ kiểm sát.
CHƯƠNG II
TIẾN HÀNH ĐIỀU TRA VÀ KIỂM SÁT ĐIỀU TRA
1. Sau khi khởi tố vụ án, cơ quan điều tra có trách nhiệm áp dụng nhanh chóng mọi biện pháp cần thiết theo như luật định để kịp thời phát hiện tội phạm, và kẻ phạm tội, cũng như ngăn chặn tội phạm.
2. Trừ việc bắt người, khám người và khám nhà trong trường hợp phạm pháp quả tang và trường hợp khẩn cấp đã được quy định trong Sắc lệnh số 002-SLT ngày 18-6-1957, cơ quan công an chỉ được tiến hành bắt, khám người, khám nhà, giữ lại thư tín, tạm giữ hoặc kê biên tài sản, tạm giam, gia hạn giam, miễn tố, tạm tha bị can khi đã được sự phê chuẩn của Viện Kiểm sát.
Để có căn cứ cho việc phê chuẩn, cơ quan công an cần gửi đến Viện Kiểm sát hồ sơ gồm những tài liệu cần thiết đã thu thập được. Nếu thấy chưa đủ căn cứ, thì Viện Kiểm sát yêu cầu cung cấp thêm tài liệu.
Viện kiểm sát có trách nhiệm nghiên cứu phê chuẩn nhanh chóng để phục vụ kịp thời cuộc đấu tranh chống phạm tội.
3. Trong quá trình điều tra vụ án, nếu bị can ốm, hoặc điên (có kết luận của giám định y khoa) thì cơ quan công an ra quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án; nếu bị can trốn, thì tạm đình chỉ việc xét hỏi và tiến hành truy nã.
Khi có điều kiện để tiếp tục điều tra thì cơ quan Công an sẽ ra quyết định tiếp tục cuộc điều tra.
Nếu nhận thấy bị can không có hành vi phạm tội, hoặc bị can chết, hoặc không đủ năng lực trách nhiệm hình sự thì cơ quan công an ra quyết định đình chỉ hẳn vụ án.
Nếu nhận thấy vụ án, thuộc thẩm quyền điều tra của địa phương khác thì cơ quan công an ra quyết định di lý vụ án.
Quyết định tạm đình chỉ, hoặc đình cứu, hoặc tiếp tục cuộc điều tra vụ án hoặc di lý đều phải kịp thời gửi đến Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp, có kèm theo tài liệu chứng minh, để thực hiện nhiệm vụ kiểm sát.
4. Đối với những vụ án do cơ quan công an khởi tố và điều tra lập hồ sơ, sau khi hoàn thành nếu thấy cần truy tố ra trước pháp luật thì cơ quan công an làm bản cáo trạng gửi đến Viện Kiểm sát, kèm theo hồ sơ.
5. Căn cứ vào điều 15 trong luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, thì việc kiểm sát công tác điều tra của cơ quan công an bắt đầu từ lúc nhận được quyết định khởi tố vụ án đến lúc kết thúc cuộc điều tra.
6. Trong quá trình điều tra, cơ quan công an cần tạo điều kiện để Viện Kiểm sát theo dõi vụ án; Viện Kiểm sát cần đề ra thêm yêu cầu cụ thể nếu thấy cần thiết để đảm bảo việc điều tra được nhanh chóng, đầy đủ, toàn diện và đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Viện Kiểm sát có thể đi cùng với công an chứng kiến việc khám nghiệm hiện trường, khám người, khám nhà để thực hiện nhiệm vụ kiểm sát.
Trong khi tiến hành điều tra lập hồ sơ, Viện Kiểm sát có thể đến chứng kiến hỏi cung theo yêu cầu của cơ quan công an; hoặc cũng có thể tự mình đến chứng kiến hỏi cung hay tự mình hỏi cung, nhưng phải trao đổi trước với cơ quan công an để bảo đảm việc điều tra được tiến hành một cách đều đặn.
Đối với vụ án đặc biệt quan trọng, cần điều tra xử lý kịp thời thì Viện Kiểm sát có trách nhiệm tham gia theo chức năng của mình, ngay từ sau khi nhận được quyết định khởi tố vụ án của cơ quan công an.
7. Khi nhận được bản cáo trạng và hồ sơ vụ án, Viện Kiểm sát có trách nhiệm thẩm tra nhanh chóng và ra một trong những quyết định sau:
- Phê chuẩn bản cáo trạng và truy tố bị can ra trước tòa;
- Miễn tố bị can hoặc đình cứu vụ án theo quy định của pháp luật;
- Hoàn lại hồ sơ để cơ quan công an điều tra bổ sung nếu thấy hồ sơ thiếu những chứng cớ chủ yếu, nhưng cần nêu yêu cầu cụ thể. Trường hợp thấy thiếu sót ít thì đề ra yêu cầu bổ sung những tài liệu cần thiết.
Nếu thấy bản cáo trạng cần thay đổi về căn bản, thì Viện Kiểm sát sẽ hoàn lại hồ sơ để cơ quan công an thẩm tra và làm lại bản cáo trạng. Trường hợp chỉ cần sửa lại bản cáo trạng về chi tiết, mà việc sửa đó không làm thay đổi tính chất và nội dung vụ án về căn bản, thì Viện Kiểm sát có thể góp ý kiến để cơ quan công an sửa lại bản cáo trạng hoặc tự mình làm bản cáo trạng khác.
Trường hợp Tòa án trả lại hồ sơ để điều tra bổ sung và nếu Viện Kiểm sát thấy yêu cầu đó là hợp lý thì sẽ chuyển cơ quan công an điều tra bổ sung.
8. Nếu cơ quan công an chưa nhất trí với quyết định không phê chuẩn bắt, tạm giam, tạm tha, khám nhà hoặc quyết định không phê chuẩn bản cáo trạng và truy tố của Viện Kiểm sát cùng cấp; hoặc trường hợp cơ quan công an không đồng ý với Viện Kiểm sát về việc định tội trong cáo trạng thì cơ quan công an yêu cầu Viện Kiểm sát nhân dân cấp trên xét lại quyết định đó.
9. Trong quá trình điều tra, kiểm sát điều tra, cũng như lúc xử lý bị can, Viện Kiểm sát và cơ quan công an đều có trách nhiệm giữ bí mật theo kế hoạch thống nhất, nhằm bảo đảm cho cuộc đấu tranh chống bọn phản cách mạng và bọn phạm tội khác ngày càng thu được nhiều thắng lợi.
CHƯƠNG III
KIỂM SÁT VIỆC TUÂN THEO PHÁP LUẬT
TRONG VIỆC GIAM GIỮ
1. Căn cứ vào điều 20, 21 của Luật tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, các Viện Kiểm sát có trách nhiệm kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các trại giam và các trại cải tạo.
2. Việc kiểm tra trại giam ở cấp nào, thuộc Viện Kiểm sát nhân dân ở cấp ấy chịu trách nhiệm. Ngoài viện trưởng, viện phó thì những cán bộ đi kiểm tra phải là kiểm sát viên của cấp ấy hoặc cấp trên.
CHƯƠNG IV
ĐIỀU KHOẢN CHUNG
1. Căn cứ vào những nguyên tắc trên, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an sẽ có quy định cụ thể hướng dẫn cho các cấp của ngành mình thi hành.
2. Nhận được thông tư này, các cấp kiểm sát và công an phải tổ chức thảo luận, đặt kế hoạch thực hiện từng bước nhằm chấp hành nghiêm chỉnh và khẩn trương thông tư để đảm bảo công tác không bị đình trệ.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu thấy điều nào chưa rõ, hoặc thiếu, hoặc chưa phù hợp với thực tiễn công tác thì báo cáo lên ngành dọc của mình để Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Công an cùng nghiên cứu giải thích, hoặc thay đổi hoặc bổ sung; làm cho quan hệ giữa hai ngành ngày càng cải tiến, nhằm phục vụ đắc lực cho cuộc đấu tranh chống bọn phản cách mạng và bọn tội phạm khác.