• Hiệu lực: Chưa ban hành
  • Ngày ban hành: 04/02/1980

NGHỊ QUYẾT

CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 37-CP NGÀY 4 THÁNG 2 NĂM 1980
VỀ NHỮNG CHỦ TRƯƠNG VÀ BIỆN PHÁP LỚN NHẰM TỔ CHỨC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ 6 CỦA TRUNG ƯƠNG ĐẢNG

VÀ NGHỊ QUYẾT THÁNG 1 NĂM 1980 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BẢO ĐẢM HOÀN THÀNH THẮNG LỢI

KẾ HOẠCH VÀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1980

 

Trong 4 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã đạt được những thắng lợi to lớn trên các mặt đấu tranh chính trị, ngoại giao và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời đã có những thành tựu đáng kể trong công cuộc xây dựng và cải tạo xã hội chủ nghĩa. Với Nghị quyết 6 của Trung ương và những chính sách mới ban hành của Chính phủ đang có những chuyển bíến mới trong phong trào sản xuất nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng trong cả nước.

Tuy nhiên, trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch Nhà nước, trong công tác quản lý kinh tế và quản lý xã hội, trong tổ chức Đảng và bộ máy Nhà nước, trong việc xây dựng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, còn có nhiều khuyết điểm chậm được sửa chữa.

Do có những khuyết điểm chủ quan về chỉ đạo và quản lý, đồng thời do hậu quả của thiên tai, địch hoạ, tình hình kinh tế tài chính và đời sống công nhân, viên chức gặp nhiều khó khăn, các mặt tiêu cực trong xã hội có chiều hướng tăng lên.

Năm 1980, năm cuối cùng của kế hoạch 5 năm 1976 - 1980, và là năm có 3 ngày kỷ niệm lớn có ý nghĩa chính trị rất quan trọng. Các ngành, các cấp phải tiếp tục quán triệt đường lối của Đại hội lần thứ 4 và các nghị quyết của các hội nghị lần thứ 4 và lần thứ 6 của Trung ương Đảng để phấn đấu vươn lên mạnh mẽ, kiên quyết vượt qua những khó khăn trước mắt, thực hiện với mức cố gắng nhất các chỉ tiêu của kế hoạch Nhà nước năm 1980, xây dựng và chuẩn bị tốt cho kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981 - 1985) đồng thời ra sức tăng cường công tác quản lý Nhà nước, cải tiến công tác quản lý kinh tế, công tác tổ chức và cán bộ.

Để bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chung mà các nghị quyết của Trung ương Đảng đã đề ra, kế hoạch và ngân sách Nhà nước năm 1980 phải được xây dựng và thực hiện với tinh thần hết sức tích cực, với khí thế cách mạng tiến công và tình thần tự lực tự cường, đồng thời phải bảo đảm tính hiện thực, cân đối vững chắc. Phải xuất phát từ những tiềm lực có sẵn trong nước và những khả năng to lớn do sự hợp tác toàn diện với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa anh em trong Hội đồng tương trợ kinh tế mà đề ra các phương án kinh tế - kỹ thuật và xây dựng các chỉ tiêu kế hoạch. Phải gắn chặt các chỉ tiêu kế hoạch với các biện pháp tổ chức thực hiện, với việc thi hành các chính sách khuyến khích đẩy mạnh sản xuất, tăng năng suất lao động và thực hành tiết kiệm, kết hợp kế hoạch với thị trường một cách đúng đắn.

Dựa vào chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước năm 1980 do Hội đồng Chính phủ giao, các ngành, các địa phương tiếp tục soát xét lại kế hoạch từ cơ sở và sẽ tổng hợp theo ngành và địa phương lên Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước để trình Hội đồng Chính phủ duyệt chính thức vào cuối quý I năm nay.

Để tích cực chuẩn bị cho những năm tới, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước cần phối hợp với các Bộ xúc tiến nghiên cứu để sớm đưa ra Hội đồng Chính phủ thảo luận về phương hướng nhiện vụ, số kiểm tra của kế hoạch 5 năm lần thứ ba (1981 - 1985) và số kiểm tra của kế hoạch năm 1981, đồng thời nghiên cứu các chủ trương, chính sách và kế hoạch hợp tác kinh tế với nước ngoài, trước hết là với Liên Xô và các nước trong Hội đồng tương trợ kinh tế.

Các ngành và địa phương phải lãnh đạo các cơ sở họp Đại hội công nhân, viên chức các xí nghiệp và Đại hội xã viên các hợp tác xã để phát huy mạnh mẽ tinh thần làm chủ tập thể của người lao động, bàn kỹ các chỉ tiêu kế hoạch năm 1980 và những biện pháp tổ chức thực hiện nhằm khai thác tiềm lực sẵn có để phát triển sản xuất.

Trong việc tổ chức chỉ đạo thực hiện kế hoạch Nhà nước và ngân sách Nhà nước năm 1980, cần chú trọng những công tác lớn sau đây:

 

I. ĐẨY MẠNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP VÀ HÀNG TIÊU DÙNG, TRƯỚC HẾT LÀ LƯƠNG THỰC, THỰC PHẨM, NÔNG SẢN NGUYÊN LIỆU VÀ NÔNG SẢN XUẤT KHẨU

 

Phát động một phòng trào quần chúng mạnh mẽ, động viên mọi lực lượng tập trung sức đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, trước hết là sản xuất lương thực và thực phẩm, đồng thời phải chỉ đạo chặt chẽ việc huy động và phân phối lương thực trong cả nước. Ngay từ đầu năm, phải huy động tất cả những lực lượng lao động có thể huy động được, kể cả lao động không sản xuất nông nghiệp, ra sức chống hạn, cố gắng bảo đảm diện tích gieo cấy; những nơi không cấy được lúa đông xuân cần kịp thời chuyển vụ trồng cây lương thực khác đặc biệt chú trọng rau màu chống đói, Bộ Nông nghiệp và Uỷ ban nhân dân các tỉnh phải tìm mọi cách khắc phục khó khăn, bảo đảm thực hiện vượt mức chỉ tiêu sản xuất 15 triệu tấn lương thực trong năm 1980, coi đó là chỉ tiêu pháp lệnh phải đạt được.

Bộ Nông nghiệp phải chỉ đạo các tỉnh có kế hoạch cụ thể về sản xuất để giải quyết để cân đối lương thực trên địa bàn tỉnh và huyện như nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về vấn đề lương thực đã đề ra; đặc biệt là các tỉnh đang thiếu lương thực nghiêm trọng phải phấn đấu với mức cao nhất để tự giải quyết về cơ bản, không được trông chờ, ỷ lại.

Bộ Nông nghiệp phải chỉ đạo việc rà soát lại kế hoạch nông nghiệp từ cơ sở, tổng hợp trình Hội đồng Chính phủ vào tháng 3 để xác định các chỉ tiêu chính thức về nông nghiệp năm 1980.

Về kế hoạch khai hoang, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Nông nghiệp cần kịp thời phân bổ vốn đầu tư cho các vùng khai hoang tập trung và mở rộng diện tích các nông trường cũ, phân bổ vốn đầu tư cho các vùng khai hoang tập trung để bảo đảm chi tiêu 140.000 hécta. Để tranh thủ thời gian, các công trình khai hoang được phép vừa thiết kế, vừa xây dựng; việc cấp phát vốn khai hoang được châm chước một số thủ tục trên cơ sở cấp vốn cho những địa phương nào được Bộ Nông nghiệp chỉ định và Bộ Nông nghiệp chịu trách nhiệm bảo đảm hiệu quả kinh tế. Mặt khác, Bộ Nông nghiệp phải trình Chính phủ kế hoạch động viên lực lượng của ngành nông nghiệp và các ngành khác để đẩy mạnh công tác khảo sát, thiết kế, đưa công tác khai hoang ngày càng đi vào nền nếp chặt chẽ, bảo đảm hiệu quả nhanh và tốt. Đối với những nông trường và hợp tác xã có khả năng đẩy mạnh khai hoang, mở rộng diện tích, Bộ Nông nghiệp và các tỉnh cần nắm lại khả năng và yêu cầu cụ thể, bàn với Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước để bổ sung vốn đầu tư. Đối với các vùng khai hoang mới và các nông trường đang thiếu nhân lực, Bộ lao động cần phối hợp với các Bộ và địa phương để Bộ Nông nghiệp tuyển được ngay số lao động cần thiết, bảo đảm sản xuất kịp thời vụ.

Bộ Lao động và Bộ Nông nghiệp phối hợp chuẩn bị trình Thường vụ Hội đồng Chính phủ thông qua trong đầu năm nay kế hoạch, chính sách huy động những lực lượng lao động phi nông nghiệp đi tham gia sản xuất nông nghiệp. Phó Thủ tướng Võ Chí Công chỉ đạo Bộ Nông nghiệp phối hợp với các Bộ có liên quan chuẩn bị để trình ra Hội đồng Chính phủ bàn và giải quyết một cách tương đối toàn diện vấn đề phát triển nông nghiệp trong những năm tới vào quý I.

Bộ Nông nghiệp cùng Bộ Thuỷ lợi và Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước nghiên cứu xây dựng quy chế về thâm canh trình Chính phủ ban hành.

Bộ Lương thực và thực phẩm trình Thường vụ Hội đồng Chính phủ chủ trương giao mức và giúp đỡ cho công nhân, viên chức các nông trường, lâm trường, các cơ quan ở địa phương và cho quân đội tự sản xuất một phần lương thực.

Bộ Nông nghiệp và các tỉnh phải chỉ đạo thực hiện tốt công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam và hoàn thiện quan hệ sản xuất ở miền Bắc. Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, các ngành, các địa phương cần có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất các mặt hàng tiêu dùng để phục vụ đời sống nhân dân và tăng nguồn thu cho ngân sách. Cần tìm mọi biện pháp giải quyết vấn đề nguyên liệu cho xí nghiệp để tận dụng công suất thiết bị. Tất cả các xí nghiệp, kể cả xí nghiệp công nghiệp nặng đều phải triệt để tiết kiệm nguyên liệu và tận dụng những phế liệu để sản xuất hàng tiêu dùng hoặc giao cho các cơ sở khác sản xuất. Trong đầu năm nay, Hội đồng Chính phủ sẽ bổ sung các chính sách, chế độ nhằm tổ chức tốt việc cung ứng và quản lý tốt các nguồn nguyên liệu cho sản xuất, khuyến khích đẩy mạnh sản xuất hàng tiêu dùng, đẩy mạnh công nghiệp địa phương và tiểu thủ công nghiệp phát triển như Nghị quyết Hội nghị lần thứ 6 của Trung ương Đảng đã đề ra.

Các ngành kinh tế khác như thuỷ lợi, giao thông vận tải, điện than, cơ khí, luyện kim, hoá chất, vật tư, nội thương, ngoại thương có trách nghiệm bảo đảm các điều kiện vật chất cho sản xuất nông nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng. Các cơ quan quản lý tổng hợp như kế hoạch, tài chính, ngân hàng, giá cả và các cơ quan văn hoá, giáo dục, y tế đều phải có kế hoạch và biện pháp cụ thể phục vụ sản xuất nông nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng.

 

II. CHỈ ĐẠO VÀ QUẢN LÝ CHẶT KHÂU LƯU THÔNG
PHÂN PHỐI THU CHI NGÂN SÁCH, THU CHI TIỀN MẶT,

CẢI TIẾN MỘT BƯỚC GIÁ CẢ VÀ TIỀN LƯƠNG

 

Sắp tới, Thường vụ Hội đồng Chính phủ ban hành quyết định cụ thể về mức ổn định nghĩa vụ bán lương thực cho Nhà nước đối với từng địa phương và sẽ ban hành chính sách ổn định mức bán thịt lợn, hải sản và các nông sản khác cho Nhà nước. Hội đồng Chính phủ sẽ ra Nghị quyết toàn diện về chính sách lưu thông phân phối (Bộ Nội thương chuẩn bị đề án trình Chính phủ bàn trong quý II).

Các ngành, các cấp phải thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ các chỉ tiêu pháp lệnh về thu mua. Bộ Nội thương, Bộ lương thực và thực phẩm, Bộ Hải sản và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố phải phối hợp tổ chức thực hiện tốt chủ trương gắn chặt việc cung ứng vật tư hàng hoá cho nông thôn với công tác thu mua, đẩy mạnh hợp đồng kinh tế hai chiều để nắm chắc hàng hoá nông sản, lâm sản, hải sản trong tay Nhà nước và bảo đảm vật tư, hàng hoá của Nhà nước đến tay người sản xuất. Các Bộ có trách nhiệm thu mua và các Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phối phải chỉ đạo chặt chẽ việc thu mua lương thực, thực phẩm, các nông sản khác và lâm sản, hải sản. Các tỉnh cần uốn nắn kịp thời những nhận thức lệch lạc trong cán bộ, đảng viên, sửa chữa ngay những quyết định sai lầm, giải quyết khẩn trương vấn đề tổ chức và cán bộ tại những cơ quan, đơn vị kinh doanh yếu, kém, động viên cán bộ, đảng viên gương mẫu chấp hành chính sách. Cần thi hành kỷ luật đối với những cán bộ không chấp hành hoặc cản trở việc thi hành chính sách thuế và huy động lương thực, thực phẩm.

Các Bộ Nội thương, Lương thực và thực phẩm, Tài chính, Nội vụ phải phối hợp chặt chẽ và chỉ đạo các tỉnh để tăng cường quản lý thị trường, kiên quyết chấm dứt tình trạng buôn bán trái phép những mặt hàng do Nhà nước thống nhất quản lý, không để lọt ra thị trường tự do thuốc là, cà phê và một số loại nguyên liệu nông sản khác tại những vùng trồng tập trung hoặc những địa phương được khoanh vùng thu mua chè, mía, lạc, dầu dừa, đay, cói, v.v... Các ngành lương thực, nội thương, các tỉnh và các xí nghiệp chế biến phải có kế hoạch nắm từ gốc các loại nông sản hàng hoá quan trọng thông qua việc làm quy hoạch, quy vùng sản xuất và ký kết hợp đồng hai chiều trước thời vụ sản xuất. Cần đấu tranh kiên quyết chống các hoạt động đầu cơ buôn lậu, tranh mua với Nhà nước, phá rối thị trường, đồng thời làm tốt việc quản lý thị trường, quản lý và cải tạo tiểu thương, nhất là ở các thành phố lớn.

Bộ nội thương cùng Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước trình Chính phủ ban hành sớm danh mục các loại nông sản nguyên liệu do Trung ương quản lý và các loại nông sản nguyên liệu do địa phương quản lý để tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp hàng tiêu dùng kể cả công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp phát triển. Cùng với việc đẩy mạnh sản xuất và thu mua nắm nguồn nguyên liệu, hàng hoá, các Bộ phải kiểm tra lại việc kinh doanh hạch toán, việc quản lý các định mức (lao động, vật tư, chi phí...) Các tiêu chuẩn kỹ thuật để tăng năng suất lao động, hạ giá thành, tiết kiệm chi và tăng thu quốc doanh, giảm bớt các khoản bù lỗ.

Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Lương thực và thực phẩm xem xét lại các khoản bù lỗ không hợp lý như muối, mỳ chính, giấy... Trước hết phải xem lại giá thành sản xuất, nếu cần phải trình Chính phủ xem xét lại cả giá bán để Nhà nước không phải bù lỗ cho các mặt hàng ấy.

Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước phải chỉ đạo chặt chẽ việc thi hành nghiêm chỉnh các biện pháp nhằm tăng thu, tiết kiệm chi để phấn đấu thăng bằng ngân sách, thực hiện tốt nghị quyết của Hội đồng Chính phủ về ngân sách Nhà nước năm 1980. Phải kiên quyết chống thất thu thuế, nhất là các khoản nợ thuế khê đọng ở các địa phương; đòi lại các khoản nợ vay Nhà nước đến hạn và quá hạn phải trả, nghiên cứu bổ sung các khoản thu cho ngân sách như thuế sát sinh, thuế công thương nghiệp; phải dùng chính sách thuế và giá cả để điều tiết số thu nhập quá đáng của công thương nghiệp tư doanh và người làm ăn riêng lẻ; cải tiến chế độ quản lý tài chính để ngăn chặn các trường hợp chi tiêu lãng phí nhất là trong xây dựng và kinh phí hành chính; thực hiện tiết kiệm triệt để về mọi mặt.

Bộ Tài chính cùng Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước giao mức tăng thu, giảm chi cho các ngành, các cấp. Ngân hàng Nhà nước phải quản lý chặt chẽ tiền mặt, mở rộng việc thanh toán không dùng tiền mặt, thi hành nghiêm ngặt chế độ báo cáo về thu nộp tiền mặt, thu lãi các khoản tín dụng.

Cần có kỷ luật rất nghiêm về thu ngân sách và tiền mặt, nhất là thu thuế (không để kéo dài tình trạng một số địa phương thu không đủ mà vẫn chi quá mức).

Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước tổ chức các đoàn thanh tra để kiểm tra thường xuyên việc chấp hành các chính sách và chế độ thu chi ngân sách, thu chi tiền mặt của các ngành, các địa phương và cơ sở.

Các cơ quan quản lý sản xuất kinh doanh phải coi trọng tính toán hiệu quả kinh tế, quản lý chặt chẽ các hoạt động kinh tế từ chủ trương đầu tư đến tổ chức sản xuất kinh doanh, sử dụng vật tư, lao động, tiền vốn, đồng thời phải nghiêm chỉnh chấp hành các chế độ của Nhà nước về quản lý tài chính, tiền mặt.

Trong 6 tháng đầu năm nay, Hội đồng Chính phủ chỉ đạo xúc tiến việc nghiên cứu cải tiến chế độ tiền lương và chính sách giá cả, chú trọng những giá cả có quan hệ đến tiền lương để bảo đảm thu nhập hợp lý và ổn định đời sống của công nhân, viên chức.

Trong việc thi hành các chính sách về giá cả, tiền lương, các ngành, các cấp cần nắm vững chính sách, chế độ của Đảng và Chính phủ để thi hành cho đúng, không được tuỳ tiện làm sai chính sách; đối với những nơi đã làm sai mà không chịu sửa cần có kỷ luật thích đáng.

 

III. TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ, ĐIỀU ĐỘNG, SỬ DỤNG
LAO ĐỘNG VÀ PHỤC VỤ ĐỜI SỐNG

 

Các ngành các cấp và cơ sở phải soát lại việc sử dụng lao động để sắp xếp lại lao động cho hợp lý nhằm bảo đảm nhiệm vụ với năng xuất lao động cao; chủ động dùng hết số người trong biên chế vào những công việc thiết thực và tương đối ổn định (sản xuất hàng phụ, thu nhặt, khai thác nguyên liệu) hoặc phối hợp với các ngành, các địa phương để nhận thầu, nhận khoán việc, nhận gia công, đưa những người không bố trí được trong sản xuất công nghiệp đi tham gia sản xuất nông nghiệp trong từng thời vụ, hoặc một vài năm, hoặc lâu dài; kiên quyết không để tình trạng làm việc cầm chừng với năng suất thấp hoặc ngồi chờ việc.

Tiểu ban nghiên cứu chuyên đề về điều động lao động cần trình Chính phủ ban hành sớm chính sách và kế hoạch điều động đối với lao động trong biên chế dôi ra.

Bộ Lao động trình Chính phủ bổ sung và sửa đổi chế độ huy động lao động nghĩa vụ.

Các ngành nội thương, lương thực và thực phẩm phải phối hợp với các tỉnh, thành phố bảo đảm kế hoạch cung ứng cho các thành phố lớn, các khu công nghiệp tập trung và các công trường xây dựng trọng điểm về lương thực, chất đốt, rau, muối, nước chấm và những thực phẩm phân phối theo tiêu chuẩn định lượng, bảo đảm phục vụ các nhà ăn tập thể và bữa ăn giữa ca. Trong trường hợp có khó khăn về thực phẩm, các ngành và địa phương có thể thay thế bằng hàng hoá khác nhưng không được tuỳ tiện cắt giảm tiêu chuẩn phân phối đã được Chính phủ quy định. Nếu thiếu hàng hoá mua theo giá chỉ đạo, ngành nội thương phải lấy một phần hàng hoá mua theo giá thoả thuận để cung ứng đủ tiêu chuẩn và theo giá cung cấp cho công nhân, viên chức.

Phải bảo đảm kết hoạch cung ứng và vận chuyển lương thực, hàng hoá cho các vùng biên giới, hải đảo. Đẩy mạnh việc sản xuất tương trợ và có sự giúp đỡ của Nhà nước cho những vùng bị mất mùa.

 

IV. TĂNG CƯỜNG VÀ CẢI TIẾN CÔNG TÁC QUẢN LÝ, CÔNG TÁC TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC VÀ CÁN BỘ

 

Hội đồng Chính phủ và các ngành, các cấp cần tiếp tục tăng cường và cải tiến công tác quản lý để thúc đẩy thực hiện tốt kế hoạch và ngân sách Nhà nước.

Trong năm nay, các cơ quan quản lý ngành ở trung ương có trách nhiệm phối hợp tham gia với tiểu ban chuẩn bị hội nghị Trung ương Đảng để nghiên cứu các vấn đề cải tiến quản lý nền kinh tế sẽ trình ra hội nghị Trung ương Đảng.

Trước mắt cần xúc tiến giải quyết những vấn đề rõ ràng không hợp lý nhằm chấm dứt tình trạng chồng chéo, lộn xộn, nâng cao trách nhiệm, nâng cao hiệu lực điều hành của bộ máy Nhà nước, bảo đảm thực hiện tốt kế hoạch và ngân sách, ngăn chặn và khắc phục các hiện tượng tiêu cực, phát động được khí thế và phong trào cách mạng của quần chúng làm chủ tập thể, thi đua tăng năng suất lao động, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Về chế độ quản lý, cần sớm bổ sung và cụ thể hoá trách nhiệm và quyền hạn của các ngành, các cấp, Văn phòng Phủ Thủ tướng phối hợp với Uỷ ban Pháp chế, Việc nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Ban tổ chức của Chính phủ và các Bộ giúp Chính phủ nghiên cứu bổ sung, nhằm làm rõ và cụ thể hơn nữa trách nhiệm và quyền hạn của Bộ trưởng, của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và Giám đốc xí nghiệp (bao gồm cả xí nghiệp liên hợp và liên hiệp các xí nghiệp).

Tổng cục Thống kê phối hợp với Bộ Tài chính, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, Ban tổ chức của Chính phủ để nghiên cứu trình Hội đồng Chính phủ ban hành quyết định cải tiến chế độ xét duyệt kết quả thực hiện kế hoạch, quy định rõ chế độ trách nhiệm cá nhân của những người có liên quan đến hoàn thành kế hoạch và chế độ thưởng, phạt vật chất đối với người đứng đầu các ngành, các địa phương và cơ sở mỗi khi hoàn thành hoặc không hoàn thành kế hoạch Nhà nước.

Xúc tiến việc phân công và phân cấp quản lý cho phù hợp với yêu cầu xây dựng ngành kinh tế kỹ thuật, từng bước đi lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa, đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế địa phương, gắn kinh tế địa phương với kinh tế ngành, trước hết trên các lĩnh vực quản lý một số nguyên liệu nông sản, lâm sản, công nghiệp chế biến, kinh doanh xuất khẩu, điều tiết thu ngân sách, v.v...

Phải xúc tiến việc cải tiến công tác kế hoạch hoá, làm tốt việc xây dựng kế hoạch 5 năm và kế hoạch năm 1981 theo nội dung và phương pháp mới; xúc tiến việc cải tiến quản lý xây dựng cơ bản từ khâu chuẩn bị đến khâu thi công; có kế hoạch và biện pháp hiệu quả tăng cường công tác kiểm kê, kiểm soát để nắm chắc lao động, thiết bị, máy móc, vật tư và các tài sản khác của Nhà nước và sử dụng có hiệu quả.

Tiến hành cuộc tổng kiểm kê đánh giá tài sản Nhà nước (có ban chuyên trách do đồng chí Hoàng Anh phụ trách).

Trong tất cả các cơ quan Nhà nước đều phải xác định rõ chức trách, nhiệm vụ, xây dựng và bổ sung các nội quy, chế độ công tác cho từng bộ phận, từng người, trên từng lĩnh vực để bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh bốn chế độ: chế độ trách nhiệm, chế độ kỷ luật, chế độ phục vụ nhân dân, chế độ bảo vệ của công. Phải gắn liền việc xây dựng các chế độ này với việc phát huy quyền làm chủ tập thể của công nhân, viên chức, nông dân, và nhân dân lao động, đấu tranh chống tệ lấy cắp tài sản xã hội chủ nghĩa, tệ hối lộ và ức hiếp dân.

Cuộc đấu tranh chống các mặt tiêu cực phải được triển khai rộng khắp thành phong trào của quần chúng và phải do các đồng chí phụ trách các ngành các cấp các cơ quan, đơn vị trực tiếp lãnh đạo. Hội đồng Chính phủ, các Bộ và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố cần tổ chức ở mỗi cấp một lực lượng cán bộ chuyên trách để kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện bốn chế độ trong các ngành, các cấp; đồng thời kiểm tra việc đấu tranh chống lấy cắp tài sản Nhà nước, chống hối lộ và ức hiếp dân.

Về tổ chức bộ máy quản lý, cần tiếp tục kiện toàn bộ máy quản lý của các ngành quan trọng và chấn chỉnh gấp một số ngành yếu, kém; củng cố bộ máy quản lý sản xuất và kinh doanh để đủ sức tổ chức thực hiện tốt kế hoạch Nhà nước và các công tác lớn; điều động thêm cán bộ có phẩm chất và có năng lực để tăng cường cho miền Nam và các tỉnh biên giới, nhất là phải tăng cường cho cấp huyện ở miền Nam những cán bộ tốt, có năng lực để chỉ đạo tốt sản xuất nông nghiệp, đồng thời tăng cường và củng cố mạng lưới thương nghiệp, làm tốt việc nắm nguồn hàng và phân phối vật tư hàng hoá.

Tiếp tục củng cố và tăng cường cho cấp cơ sở, nhất là ở miền Nam.

Các Bộ cần có đề án tăng cường chấn chỉnh bộ máy của ngành mình. Thường vụ Hội đồng Chính phủ sẽ nghe báo cáo về tình hình bộ máy và cán bộ của các ngành để xem xét vấn đề cán bộ, chủ động đề xuất trình Bộ chính trị giải quyết. Chính phủ sẽ ban hành quy định về tổ chức và biên chế bộ máy hành chính ở các cấp Trung ương và tỉnh, thành phố.

Hội đồng Chính phủ và các ngành, các địa phương cần nắm lại lực lượng cán bộ quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật để có quy hoạch và kế hoạch bồi dưỡng đào tạo, sắp xếp, sử dụng một cách hợp lý. Thực hiện việc giúp đỡ cán bộ kỹ thuật cho các hợp tác xã nông nghiệp và thủ công nghiệp. Nghiên cứu bổ sung chính sách, chế độ đối với cán bộ trí thức. Tăng cường công tác quản lý cán bộ khen thưởng, đề bạt thích đáng những cán bộ có công; kỷ luật nghiêm minh đối với những cán bộ hư hỏng, kiên quyết điều chỉnh những cán bộ kém năng lực không làm tốt nhiệm vụ.

Đi đôi với việc tăng cường cải tiến quản lý kinh tế, chấn chỉnh bộ máy Nhà nước và cán bộ, phải hết sức tăng cường công tác bảo vệ an ninh chính trị và giữ gìn trật tự trị an, củng cố quốc phòng, Hội đồng Chính phủ sẽ bàn chuyên đề để xác định nội dung kế hoạch kinh tế kết hợp với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế.

 

V. ĐẨY MẠNH HỢP TÁC KINH TẾ VÀ HỢP TÁC KHOA HỌC
KỸ THUẬT ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU

 

Cần nhận thức đúng ý nghĩa và tầm quan trọng chiến lược của chủ trương hợp tác kinh tế và khoa học - kỹ thuật với nước ngoài, nhất là phải tăng cường quan hệ hợp tác với Liên Xô và các nước trong Hội đồng tương trợ kinh tế về mọi mặt, coi đó là chỗ dựa cực kỳ quan trọng để xây dựng và bảo vệ đất nước.

Trong quan hệ hợp tác kinh tế, phải nghiên cứu sử dụng nhiều hình thức thích hợp, kể cả hình thức hợp doanh.

Đi đôi với hợp tác kinh tế phải tranh thủ sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em về kinh nghiệm quản lý và trong việc sử dụng chuyên gia.

Các ngành và các địa phương phải thực hiện đúng nội dung Quyết định số 239 - CP ngày 20 tháng 9 năm 1978 của Hội đồng Chính phủ, thực hiện nghiêm chỉnh các hiệp định đã ký kết về hợp tác kinh tế và hợp tác khoa học kỹ thuật với nước ngoài, trước hết là đẩy mạnh thi công các công trình để đưa vào sản xuất đúng thời hạn như các công trình cao su Phú Riềng, thiếc Nghệ Tĩnh, trồng cây thuốc, sản xuất rau quả hộp, v.v...; Xúc tiến việc điều tra khảo sát, đàm phán, ký kết về các công trình khác đã có dự kiến. Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ ngoại thương và Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước cần trình Hội đồng Chính phủ bàn trước khi trình ra Bộ Chính trị các đề án về chủ trương, chính sách và kế hoạch hợp tác kinh tế và hợp tác khoa học - kỹ thuật với các nước, trước hết là với Liên Xô và các nước trong Hội đồng tương trợ kinh tế.

Các Bộ, các địa phương phải coi chỉ tiêu kế hoạch xuất khẩu đã giao là mức tối thiểu và phải có biện pháp tổ chức thực hiện vượt mức kế hoạch. Mỗi quý một lần, các Bộ, các địa phương được giao chỉ tiêu kế hoạch xuất khẩu và Bộ ngoại thương phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch xuất khẩu. Ngành hoặc địa phương nào không đạt kế hoạch, phải nói rõ nguyên nhân và trách nhiệm, đồng thời có biện pháp bù mức thiếu hụt trong quý sau. Thường vụ Hội đồng Chính phủ sẽ nghiên cứu bổ sung chính sách khuyến khích xuất khẩu, chính sách mở rộng xuất tại chỗ, thu ngoại tệ. Một số ngành kinh tế như nông nghiệp, lâm nghiệp, công nghiệp nhẹ, điện và than, cơ khí, hải sản... Chuẩn bị báo cáo với Thường vụ Hội đồng Chính phủ kế hoạch và biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu.

Trong việc thu mua hàng xuất khẩu, các ngành địa phương cần phối hợp chặt chẽ để có kế hoạch, chính sách thống nhất, tránh tình trạng chồng chéo, tranh chấp nguồn hàng.

Các Bộ có trách nhiệm phải quản lý tốt các hoạt động đối ngoại của các cơ quan, đoàn thể theo đúng đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước, bảo đảm đạt hiệu quả thiết thực. Các Bộ ngoại giao, Nội vụ, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Tổng cục Bưu điện cần nghiên cứu trình Chính phủ ban hành những quy định về quan hệ giao dịch đối ngoại của nhân dân về các mặt như thư tín, tiền tệ, tiếp xúc người nước ngoài, v.v...

Để tổ chức thực hiện tốt kết hoạch Nhà nước và làm tốt các công tác lớn đã đề ra, các ngành, các cấp cần hết sức coi trọng việc bảo đảm sự thống nhất về tư tưởng, nhận thức, quan điểm, từ sự đánh giá tình hình đến việc quán triệt thi hành đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật Nhà nước.

Trong lúc này càng phải nắm vững đường lối của Đảng, tăng cường chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động, đề cao tinh thần cách mạng kiên cường, khắc phục khó khăn, chống những tư tưởng tiêu cực hoặc quan điểm, nhận thức lệch lạc trong một số cán bộ như tư tưởng ỷ lại Trung ương, ỷ lại viện trợ của nước ngoài; xu hướng buông lỏng quản lý, nặng về thị trường mà coi nhẹ kế hoạch hoặc không sử dụng đúng đắn quan hệ hàng hoá tiền tệ; xu hướng vin vào đặc điểm của địa phương mà làm trái các chỉ thị, nghị quyết và các quy định chung của Nhà nước, xu hướng tách rời kinh tế với quốc phòng, quốc phòng với kinh tế, tách rời cải tạo với xây dựng, v.v... Kiên quyết đấu tranh chống các hiện tượng vi phạm luật pháp, vi phạm chính sách, vô tổ chức, vô kỷ luật, chủ nghĩa địa phương, bản vị, cục bộ.

Phải đề cao pháp chế xã hội chủ nghĩa, tiếp tục thi hành thống nhất pháp luật, thống nhất chế độ quản lý trong cả nước một cách nghiêm túc.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các ngành, các cấp, các đơn vị cơ sở phải phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể trong Mặt trận, công đoàn, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp phụ nữ, Hội liên hiệp nông dân tập thể... Để động viên và tổ chức quần chúng phát huy quyền làm chủ tập thể, ra sức thi đua tăng năng suất lao động, đẩy mạnh sản xuất và thực hành tiết kiệm, vượt qua mọi khó khăn, phát huy mọi tiềm lực để hoàn thành toàn diện và vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước, lấy thành tích chào mừng các ngày kỷ niệm lớn trong năm 1980, góp phần tích cực nhất vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.