THÔNG TƯ
CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ LAO ĐỘNG SỐ 07-LĐ/TT
NGÀY 1 THÁNG 3 NĂM 1975 GIẢI THÍCH VÀ HƯỚNG DẪN VIỆC
SẮP XẾP VÀ SỬ DỤNG HỢP LÝ LỰC LƯỢNG CÁN BỘ CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC QUA CHẤN CHỈNH TỔ CHỨC SẢN XUẤT VÀ THỰC HIỆN TINH GIẢN BỘ MÁY QUẢN LÝ TRONG KHU VỰC NHÀ NƯỚC
Ngày 31 tháng 12 năm 1974, Hội đồng Chính phủ đã ban hành quyết định số 292-C P bổ sung một số chế độ để sắp xếp va sử dụng hợp lý lực lượng cán bộ, công nhân, viên chức qua chấn chỉnh tổ chức sản xuất và thực hiện tinh giản bộ máy quản lý trong khu vực Nhà nước.
Bộ Lao động giải thích chính sách, chế độ và phạm vi thời hạn thi hành quyết định trên của Hội đồng Chính phủ.
I- CHẾ ĐỘ ĐỐI VỚI SỐ LAO ĐỘNG KHÔNG BỐ TRÍ ĐƯỢC TRONG DÂY CHUYỀN SẢN XUẤT Ở CÁC XÍ NGHIỆP
QUỐC DOANH VÀ ĐỐI VỚI CÁN BỘ, NHÂN, VIÊN DÔI RA
QUA THƯCJ HIỆN TINH GIẢN BỘ MÁY QUẢN LÝ
TRONG KHU VỰC NHÀ NƯỚC
Quyết định số 292-C P đã nói rõ hướng sắp xếp sử dụng và chế độ đối với số lao động không bố trí được trong dây chuyền sản xuất ở các xí nghiệp quốc doanh và đối với số cán bộ, viên chức dôi ra qua thực hiện tinh giản bộ máy quản lý trong khu vực Nhà nước là: phải phát huy tiềm lực, mở rộng sản xuất, kinh doanh để tận dụng lao động sẵn có "không để người nào còn có khả năng phục vụ mà không được sắp xếp công việc".
Các ngành, các địa phương cần quán triệt chủ trương nói trên, tận dụng mọi khả năng trong ngành mình, địa phương mình để mở rộng sản xuất, sắp xếp công việc làm cho mọi cán bộ, công nhân, viên chức còn khả năng lao động, đồng thời giáo dục cán bộ, công nhân, viên chức phải có tinh thần nghiêm chỉnh chấp hành khi có lệnh điều động công tác. Chỉ có trên cơ sở ấy, mới áp dụng được đúng đán các chế độ đã ban hành.
Dưới đây Bộ Lao động hướng dẫn thêm một số điểm cụ thể:
1- Đối với số lao động tạm thời chưa có việc làm liên tục do xí nghiệp thiếu điện, thiếu nguyên vật liệu thì thủ trưởng đơn vị, ngành chủ quản, bố trí việc làm tại chỗ, nếu công việc mới được hưởng công cao hơn lương cũ thì công nhân được hưởng lương mới trong thời gian tạm làm việc đó. Nếu lương mới thấp hơn lương cũ thì được giữ nguyên lương cấp bậc cũ. Cá biệt có trường hợp gặp trở ngại không bố trí được việc làm thì áp dụng chế độ trả lương ngừng việc như điểm 1 mục II trong Thông tư số 11-LĐ/TT ngày 11-4-1962 của Bộ Lao động. Thời gian hưởng lương ngừng việc không được để kéo dài.
2- Đối với số người dôi ra do hợp lý hoá sản xuất, áp dụng kỹ thuật mới, tinh giản bộ máy quản lý:
A) Điều chỉnh :
Thủ trưởng đơn vị, ngành chủ quản (bộ, Tổng cục) địa phương (Uỷ ban hành chính khu tỉnh, thành phố) phải tìn mọi cách điều chỉnh công tác trong đơn vị, ngành, địa phương mình là chính. Trường hợp thực sự không điều chỉnh hết được thì các Bộ, Tổng cục bàn với Bộ Lao động và cơ quan lao động địa phương (nếu có xí nghiệp thuộc ngành ở địa phương) để giải quyết số lao động dôi ra thuộc khu vực sản xuất, vật chất, bàn với Ban tổ chức của Chính phủ để giải quyết số cán bộ, viênchức thuọc khu vực không sản xuất vật chất. Số người cần điều chỉnh đi ngành khác phải là những người còn khả năng tham gia sản xuất, công tác, có sức khoẻ tương đối bình thường, có tình thần chấp hành lệnh điều động, đã được tuyển dụng đúng chế độ trong phạm vi chỉ tiêu lao động biên chế được giao. Số người cần điều chỉnh phải ghi vào chỉ tiêu lao động trong kế hoạch của mỗi ngành (nơi có người dôi ra phải giảm bớt, nơi thiếu phải tiếp nhận) và căn cứ vào đó, Sở, Ty lao động, Ban tổ chức chính quyền sẽ đôn đốc việc thực hiện. Trường hợp đặc biệt, không tự điều chỉnh được thì mỗi ngành, mỗi địa phương cần tổng hợp danh sách gửi cho cơ quan lao động hoặc ban tổ chức chính quyền chứ không để từng xí nghiệp, từng cá nhân công nhân, viên chức trực tiếp liên hệ với cơ quan lao động, Ban tổ chức chính quyền.
Công nhân được điều động công tác mới thì căn cứ vào công việc, chức vụ mới mà xếp lương. Nếu lương mới cao hơn lương cũ thì được hưởng lương mới, nếu thấp hơn lương cũ thì được phụ cấp chênh lệch cho bằng lương cấp bậc cũ đến khi có điều kiện được xếp lương cao hơn. Khoản phụ cấp chênh lệch này, xí nghiệp được hạch toán ngoài giá thành hoặc phí lưu thông theo chế độ hiện hành.
Nếu có người đã được sắp xếp công việc hợp với sức khỏe và nghề nghiệp, nhưng lại tự ý xin làm việc khác thì làm việc gì được trả lương theo việc ấy và làm ở khu vực nào thì hưởng phụ cấp khu vực theo nơi ấy. Nếu lương mới thấp hơn cũng không được hưởng phụ cấp chênh lệch.
Đối với cán bộ, công nhân, viên chức được chuyển công tác từ bộ máy quản lý Nhà nước quản lý các ngành sản xuất kinh doanh, quản lý xí nghiệp hay đơn vị sự nghiệp hay đơn vị sự nghiệp sang làm việc trực tiếp sản xuất hay xây dựng, v.v... Thì được giữ nguyên lương cũ (lương cấp bậc, kể cả phụ cấp khu vực nếu nơi mới không có phụ cấp khu vực hoặc phụ cấp khu vực thấp hơn) cho đến khi có điều kiện xếp lương cao hơn.
Nếu có yêu cầu đào tạo, bổ túc mà có người đủ tiêu chuẩn đi học đào tạo hoặc bổ túc thì được hưởng theo chế độ sinh hoạt phí hiện hành.
Những người đã qua điều trị, điều dưỡng nhưng sức khoẻ không phục hồi, không còn đủ sức khoẻ làm việc liên tục, nhưng lại chưa đủ tiêu chuẩn nghỉ mất sức theo chế độ hiện hành (tức là chưa mất sức lao động 70% đối với người làm công việc bình thường, 60% đối với người làm công việc đặc biệt nặng nhọc) thì xí nghiệp, ngành chủ quản địa phương thu xếp việc làm phù hợp với sức khỏe của họ hoặc liên hệ với Sở, Ty lao động (nơi có xí nghiệp của ngành) để giải quyết việc làm.
B) Chờ việc: Đối với những người tuy có khả năng tham gia sản xuất, công tác nhưng tạm thời chưa sắp xếp được việc làm thì trong khi chờ việc được áp dụng chế độ trả lương khi ngừng việc theo Thông tư số 11-LĐ/TT ngày 14-4-1962 của Bộ Lao động. Thời gian hưởng lương chờ việc nhiều nhất là 3 tháng. Trong thời gian này, các đơn vị, các ngành, các địa phương cần tích cực khẩn trương điều chỉnh công tác cho những người ấy. Nếu không tự điều chỉnh được thì lập danh sách gửi cho Bộ Lao động (hoặc Sở, Ty lao động) ban tổ chức của Chính phủ (hoặc Ban tổ chức của Uỷ ban hành chính thành, tỉnh) theo quy định trong Chỉ thị số 308/TTg ngày 16-12-1974 của Thủ tướng Chính phủ (mục V, điểm 5).
C) Thôi việc: những người qua điều trị, điều dưỡng nhưng sức khoẻ không phục hồi, không còn đủ sức làm việc liên tục và đã tích cực tìm mọi cách vẫn không giải quyết được việc làm thì mới cho thôi việc vì yếu sức. Chế độ trợ cấp thôi việc vì yếu sức được vận dụng điểm 3, Điều 1 của Nghị định số 163/CP ngày 4 tháng 7 năm 1974 củ Hội đồng Chính phủ; cứ mỗi năm làm việc được một tháng lương, kể cả phụ cấp thường xuyên và trợ cấp con (nếu có) không hạn chế mức tối đa, không có khoản trợ cấp thêm về yếu sức. Cách tính trợ cấp và các quyền lợi khác vẫn áp dụng theo các mục II, III trong Thông tư số 17/LĐ-TT ngày 9-11-1964 của Bộ Lao động hướng dẫn thông tư số 88-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chế độ trợ cấp thôi việc. Kinh phí trợ cấp thôi việc lấy trong quỹ lương của đơn vị. Còn các trường hợp thôi việc khác vẫn áp dụng theo Thông tư số 88-TTg ngày 1-10-1964 của Thủ tướng Chính phủ.
Cần chú ý là trong mọi trường hợp không được cho công nhân, viên chức thôi việc trong thời gian còn đang nghỉ phép, có thai gần đến ngày đẻ, nghỉ đẻ, ốm đau còn đang điều trị (điều 17 Điều lệ tuyển dụng và cho thôi việc đối với cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước ban hành ở Nghị định số 24/CP ngày 13 tháng 3 năm 1963 của Hội đồng Chính phủ).
II- ĐỐI VỚI CÁN BỘ, CÔNG NHÂN, VIÊN ĐƯỢC ĐIỀU ĐỘNG TỪ MIỀN XUÔI ĐẾN CÔNG TÁC Ở CÁ VÙNG KINH TẾ MỚI,
Ở TRUNG DU VÀ MIỀN NÚI
Trong khi chờ đợi nghiên cứu chế độ toàn diện đối với cán bộ, công nhân, viên chức Nhà nước làm việc ở miền núi, Hội đồng Chính phủ đã ban hành một số chế độ đãi ngộ (các điểm 5, 6 trong Quyết định số 292/CP) đối với công nhân, viên chức được điều động từ miền xuôi lên công tác ở các vùng kinh tế mới ở trung du và miền núi để thực hiện quyết định số 129-C P ngày 25-5-1974 của Hội đồng Chính phủ, Bộ Lao động hướng dẫn thêm một số điểm:
1- Đối với cán bộ, công nhân, viên chức được điều động từ miền xuôi trong tỉnh hoặc tỉnh khác đến công tác ở các ở các vùng kinh tế mới trung du và miền núi thuộc trung ương và địa phương lập ra theo quyết định của Chính phủ:
A) Trợ cấp ban đầu 50đ cho cán bộ, công nhân, viên và trợ cấp một lần 30đ cho gia đình đi theo thay thế các mức phụ cấp đã quy định ở điểm 1, mục II trong Thông tư số 4-TT/L Đ ngày 23-2-1962 của Liên Bộ Lao động - Nội vụ về chế độ phụ cấp di chuyển đối với cán bộ, công nhân, viên chức khi được điều động công tác đến các miền rừng núi, biên giới, hải đảo.
Trường hợp hai vợ chồng là cán bộ, công nhân, viên chức được điều động đến công tác ở vùng kinh tế mới ở trung du và miền núi thì mỗi người được nhận trợ cấp ban đầu theo định suất của người đi một mình.
Nếu đem gia đình đi theo kể cả đem đi một lần, nhiều lần, cùng đi hay đi sau thì cũng chỉ được trợ cấp một lần 30đ.
Các trường hợp điều động khác không thuộc đối tượng nói ở điểm 5, điểm 6 trong Quyết định số 292-CP của Hội đồng Chính phủ vẫn áp dụng theo Thông tư số 4-TT/LB nói trên.
B) Phụ cấp khuyến khích 6% lương cấp bậc hoặc lương chức vụ hàng tháng nếu đến công tác ở trung du, 15% nếu đến công tác ở miền núi cao (danh mục miền núi thấp, miền núi cao đã được xác định ở Thông tư số 4-TT/LB của Liên Bộ lao động - Nội vụ ngày 23-2-1962). Khoản phụ cấp khuyến khích này chỉ hưởng trong thời gian thực sự công tác ở vùng kinh tế mới ở trung du và miền núi và phát vào cuối tháng. Trường hợp được cử đi học, đi tham quan, đi công tác, ốm đau điều trị, điều dưỡng kiể cả trong nước và nước ngoài nếu từ 1 tháng trở lại (30 ngày) được hưởng khoản phụ cấp đó. Nếu quá 1 tháng thì cắt phụ cấp cho đến khi công nhân, viên chức trở lại làm việc thực sự.
Trường hợp được điều động từ miền xuôi đến công tác ở vùng kinh tế mới ở trung du và miền núi và được điều động về tăng cường cho hợp tác xã thì cũng chỉ được hưởng một khoản phụ cấp khuyến khích nói trên. (Không cộng khoản phụ cấp khuyến khích này với khoản phụ cấp khuyến khích về hợp tác xã sẽ nói ở mục III).
C) Về tiền tàu xe, cước phí hành lý và tiền ăn đi đường theo quy định hiện hành, cụ thể:
Cho bản thân:
- Phụ cấp đi đường như đi công tác;
- Tiền tàu, xe hoặc các phương tiện giao thông khác (như thuyền, ca nô... Ở những nơi không có tàu xe), tiền cước phí hành lý không quá 70 kg (kể cả tiền thuê vận chuyển hành lý từ nơi ở cũ đến nhà ga, bến tàu, bến xe và từ nhà ga, bến tàu, bến xe đến nơi ở mới), tiền cước phí xe đạp hay xe máy mang theo (nếu có).
Cho gia đình:
Mỗi người trong gia đình đi theo được cấp:
- Tiền tàu, xe hoặc các phương tiện giao thông khác ở những nơi không có tàu, xe và cước phí hành lý trung bình đầu người không quá 30 kg;
- Mỗi người, mỗi ngày đi đường được trợ cấp 0,60đ. Gia đình có người ở lại và di chuyển sau cũng được cấp tiền tàu xe, cước phí hành lý và tiền ăn đi đường như trên.
D) Những người trong gia đình đi theo cán bộ, công nhân, nhân viên được điều động từ miền xuôi đến công tác ở vùng kinh tế mới ở trung du và miền núi được hưởng các chế độ trợ cấp một lần tiền làm nhà riêng, tiền tàu, xe, cước phí hành lý và tiền ăn đi đường bao gồm vợ hoặc chồng, con kể cả con nuôi, con riêng, bố mẹ và những người thân thích khác mà người cán bộ, công nhân, nhân viên phải trực tiếp nuôi dưỡng.
Đ) Cơ quan, xí nghiệp cũ chi các khoản tiền về trợ cấp ban đầu, trợ cấp một lần, tiền tàu, xe, cước phí hành lý, tiền ăn đi đường cho bản thân và gia đình và ghi số tiền ấy vào giấy công lệnh . Cơ quan, xí nghiệp nơi người cán bộ được điều động đến sẽ căn cứ vào số tiền thực chi theo chế độ và đối chiếu với số tiền đã được cơ quan, xí nghiệp cũ ghi ở công lệnh mà cấp thêm nếu thiếu hoặc thu lại nếu thừa, không đặt vấn đề chuyển khoản trả lại tiền cho cơ quan, xí nghiệp cũ.
2- Đối với học sinh tốt nghiệp các trường trung học, đại học chuyên nghiệp, trong thời gian tập sự.
A) Các chế độ đã quy định ở điểm 6 trong Quyết định số 292-CP của Hội đồng Chính phủ chỉ áp dụng đối với những người được điều động từ miền xuôi đến tập sự, công tác ở các vùng kinh tế mới ở trung du và miền núi, kể cả những người đến tập sự ở các hợp tác xã nằm trong phạm vi vùn kinh tế mới ở tủng du miền núi.
B) Được hưởng tiền tàu xe, cước phí hành lý tiền ăn đi đường và được hưởng các tiêu chuẩn về lương thực, thực phẩm, vải, áo bông, trợ cấp 30đ cho gia đình đi theo, trợ cấp tiền làm nhà riêng như đối với cán bộ, công nhân, nhân viên ghi ở điểm 5 trong Quyết định số 292/CP của Hội đồng Chính phủ.
III- ĐỐI VỚI CÁN BỘ ĐƯỢC ĐIỀU ĐỘNG TỪ CƠ QUAN
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TĂNG CƯỜNG CHO HỢP TÁC XÃ
Việc lựa chọn cán bộ từ các cơ quan quản lý Nhà nước về tăng cường cho hợp tác xã là một nội dung của Chỉ thị số 208-CT/TW ngày 16-9-1974 của Ban bí thư Trung ương Đảng "về việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp và cải tiến một bước quản lý nông nghiệp từ cơ sở theo hướng tiến lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa".
Theo yêu cầu điều động cán bộ nói trên, Hội đồng Chính phủ đã ban hành một số chế độ đãi ngộ (điểm 7 trong Quyết định số 292-CP), Bộ Lao động hướng dẫn thêm một số điểm:
1- Đối với cán bộ:
A) Các chế độ đã quy định ở điểm 7 trong Quyết định số 292-CP của Hội đồng Chính phủ áp dụng chung cho các tỉnh miền xuôi, trung du và miền núi.
Cán bộ đang công tác ở các tỉnh trung du và miền núi, nay được điều động về tăng cường cho hợp tác xã cả các hợp tác xã nằm trong phạm vi vùng kinh tế mới ở trung du và miền núi cũng chỉ được hưởng các chế độ đã quy định ở điểm 7 trong Quyết định số 292-CP, không áp dụng các điểm 5, 6 trong Quyết định số 292-CP.
B) Tiêu chuẩnlương thực được hưởng các mức 18 kg và 21 kg một tháng bao gồm cả tiêu chuẩn ăn sáng.
C) được hưởng phụ cấp khuyến khích 6% trợ cấp một lần 30đ cho bản thân, 30 đ cho gia đình đi theo và tiền tàu xe, cước phí hành lý, tiền ăn đi đường cjp bản thân và gia đình những thủ tục thanh toán áp dụng như các tiét a, b, c, d, điểm 1 đã hướng dẫn ở mục II nói trên.
2- Đối với học sinh tốt nghiệp các trường trung học, đại học chuyên nghiệp, trong thời gian tập sự.
Những người được bố trí tập sự ở các hợp tác xã (kể cả trước ngày 31-12-1974 và từ ngày 31-12-1974 trở đi) chỉ được áp dụng tiêu chuẩn lương thực 18 kg và 21 kg một tháng. Sau khi hết thời gian tập sự nếu được xác định là cán bộ điều động tăng cường cho hợp tác xã thì sẽ được hưởng thêm các chế độ đã quy định ở điểm 7 trong Quyết định số 292-CP của Hội đồng Chính phủ .
VI- PHẠM VI VÀ THỜI GIAN THI HÀNH
1- Các ngành, các địa phương cần có kế hoạch phổ biến toàn văn Quyết định số 292-CP ngày 31-12-1974 cho tất cả cán bộ, công nhân, viên chức.
2- Quyết định số 292-CP của Hội đồng Chính phủ và Thông tư giải thích, hướng dẫn này có hiệu lực thi hành từ ngày 31-12-1974; riêng điểm 5, điểm 6 trong Quyết định số 292-CP và mục II trong Thông tư này thi hành từ ngày 25-5-1974 (ngày Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 129-CP ban hành "Chính sách đối với các hợp tác xã mở rộng diện tích phát triển nông, lâm nghiệp ở trung du và miền núi").