THÔNG TƯ
CỦA TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
SỐ 3-NH/TT NGÀY 9-4-1983 HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH
SỐ 33-NH/QĐ VỀ CHẾ ĐỘ TÍN DỤNG, TIỀN TỆ, THANH TOÁN VÀ
LÃI SUẤT CÓ PHÂN BIỆT ĐỐI VỚI XÍ NGHIỆP HOẠT ĐỘNG TỐT
HOẶC YẾU KÉM
Ngày 9 tháng 4 năm 1983, tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành quyết định số 33-NH/QĐ về chế độ tín dụng, tiền tệ, thanh toán và lãi suất có phân biệt đối với xí nghiệp hoạt động tốt hoặc yếu kém. Bản chế độ đã cụ thể hoá điểm 2 phần II trong thông tư số 95-NH/TT ngày 24 tháng 11 năm 1982 của tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước , có giá trị áp dụng lâu dài. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, cơ chế quản lý kinh tế đang được cải tiến, bổ sung, việc áp dụng chế độ tín dụng, tiền tệ, thanh toán và lãi suất có phân biệt cần được thực hiện từng bước. Nhằm giúp các ngân hàng địa phương triển khai thực hiện tốt chế độ nói trên, Ngân hàng Nhà nước trung ương hướng dẫn một số điểm cụ thể thực hiện trong năm 1983 như sau.
I. VẬN DỤNG CÁC TIÊU CHUẨN ĐỂ PHÂN LOẠI XÍ NGHIỆP
1. Đối với loại xí nghiệp hoạt động tốt, điều 4 của chế độ quy định 5 tiêu chuẩn, năm 1982 xí nghiệp phải đạt tới mức độ như sau:
A) Tiêu chuẩn 1:
- Thực hiện chỉ tiêu kế hoạch giá trị sản lượng hàng hoá thực hiện từ 110% trở lên so với kế hoạch chính thức được cơ quan có thẩm quyền giao hoặc kế hoạch điều chỉnh trước ngày 30 tháng 9 năm 1982 (nếu được điều chỉnh).
- Thực hiện kế hoạch nộp ngân sách đạt từ 105% trở lên hoặc giảm lỗ bằng 5% trở lên theo kế hoạch lỗ đã được duyệt.
- Duy trì, bảo đảm đủ vốn lưu động tự có theo kế hoạch, thực hiện kế hoạch vòng quay vốn lưu động đạt từ 105% trở lên.
B) Tiêu chuẩn 2:
- Giao nộp sản phẩm cho Nhà nước đủ so với số vật tư Nhà nước cung ứng cho xí nghiệp và số vật tư xí nghiệp tự tìm kiếm theo kế hoạch sản xuất bổ sung (trừ phần sản phẩm của phần tự tìm kiếm vật tư để đổi lấy vật tư tiếp tục sản xuất theo kế hoạch, được cơ quan quản lý cấp trên duyệt).
- Sử dụng quỹ tiền lương, tiền thưởng đúng chế độ quy định.
C) Tiêu chuẩn 3:
- Gửi kế hoạch sản xuất, kỹ thuật, tài chính trong đó có kế hoạch vay vốn, báo cáo thực hiện các kế hoạch ấy và bảng tổng kết tài sản hàng tháng (nếu có), quý, năm đến ngân hàng đúng hạn.
- Không có nợ ngân hàng quá hạn và nợ thiếu vật tư bảo đảm.
D) Tiêu chuẩn 4:
- Gửi kế hoạch tiền mặt, báo cáo thực hiện kế hoạch tiền mặt hàng quý tới ngân hàng đúng hạn, có chất lượng.
- Thực hiện tốt kế hoạch nộp, lĩnh tiền mặt đã thoả thuận với ngân hàng, không toạ chi sai chế độ, không để tồn quỹ tiền mặt vượt mức quy định.
- Sử dụng tiền mặt đúng mục đích ghi trong séc lĩnh tiền mặt.
Đ) Tiêu chuẩn 5:
- Có hợp đồng mua, bán vật tư sản phẩm với những khách hàng chủ yếu, thực hiện đúng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đã ghi trong hợp đồng kinh tế.
- Không bị phạt vì vi phạm kỷ luật thanh toán.
- Không chiếm dụng vốn sai chế độ, giảm bớt tổi thiểu 30% số dư nợ dây dưa khó đòi từ năm trước chuyển sang (bao gồm các khoản phải thu, phải trả).
2. Những xí nghiệp trong năm 1982 ở tình trạng như quy định dưới đây thì xếp vào loại yếu kém:
A) Tiêu chuẩn 1: Thực hiện chỉ tiêu giá trị sản lượng hàng hoá và chỉ tiêu thu nộp ngân sách từ 70% trở xuống.
Không giữ được vốn lưu động tự có kế hoạch, thực hiện dưới 70% kế hoạch vòng quay vốn lưu động.
B) Tiêu chuẩn 2:
- Giao nộp dưới 70% số sản phẩm sản xuất bằng vật tư, nguyên liệu Nhà nước cung cấp cho xí nghiệp.
- Chi lương, chi thưởng sai chế độ, vượt quá khối lượng sản phẩm hoàn thành.
C) Tiêu chuẩn 3:
- Gửi kế hoạch sản xuất, kỹ thuật, tài chính, báo cáo thực hiện các kế hoạch ấy và bảng tổng kết tài sản hàng tháng (nếu có), quý, năm đến ngân hàng không đủ nội dung hoặc không đúng thời gian quy định.
- Vượt kế hoạch dư nợ từ 30% trở lên do không thực hiện được kế hoạch sản xuất, kinh doanh, có nợ thiếu vật tư bảo đảm, nợ quá hạn thường xuyên.
D) Tiêu chuẩn 4:
- Gửi kế hoạch tiền mặt và báo cáo tiền mặt đến ngân hàng không đúng thời hạn, không bảo đảm chất lượng.
- Thực hiện dưới 70% kế hoạch nộp tiền mặt vào ngân hàng, để tồn quỹ tiền mặt vượt từ 30% trở lên so với mức quy định, toạ chi sai chế độ.
- Sử dụng tiền mặt sai mục đích ghi trong séc lĩnh tiền mặt.
Đ) Tiêu chuẩn 5:
- Không thực hiện đúng điều khoản thanh toán đã ghi trong hợp đồng kinh tế, gây thiệt hại cho khách hàng.
- Bị phạt vì vi phạm kỷ luật thanh toán nhiều lần trong năm.
- Thường xuyên chiếm dụng vốn sai nguyên tắc của khách hàng, chiếm từ 10% trở lên so với vốn lưu động định mức, nợ nần dây dưa, số dư cuối năm tăng 20% trở lên so với đầu năm.
3. Căn cứ vào thông báo công nhận hoàn thành kế hoạch năm 1982 để xem xét tiêu chuẩn 1 và 2, căn cứ vào biên bản kiểm tra tiền mặt, kiểm tra bảo đảm nợ và hồ sơ theo dõi của ngân hàng để xem xét tiêu chuẩn 3, 4 và 5.
II. MỨC ĐỘ ÁP DỤNG CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI VÀ PHẠT
Điều 7 và 8 của bản chế độ quy định 4 hình thức ưu đãi đối với xí nghiệp hoạt động tốt và 4 hình thức hạn chế và phạt đối với xí nghiệp hoạt động yếu kém. Điểm 4 nói về ưu đãi và phạt, về lãi suất tiền vay, quy định 4 mức lãi ưu đãi và 5 mức lãi phạt. Trong tình hình hiện tại, do chưa hoàn chỉnh hồ sơ theo dõi hoạt động kinh tế - tài chính của xí nghiệp, chưa có điều kiện và kinh nghiệm phân loại cụ thể các xí nghiệp để áp dụng các mức lãi suất khác nhau, và trong thực tế, phổ biến là xí nghiệp yếu kém, nên trong năm 1983 thực hiện một bước như sau:
- Những xí nghiệp đạt 5 tiêu chuẩn của loại xí nghiệp hoạt động tốt trên đây thì được hưởng lãi suất ưu đãi, chỉ phải trả bằng 90% mức lãi suất bình thường của các loại vay chính (vay trong định mức vốn lưu động, trên định mức trong và ngoài kế hoạch, vay trong kế hoạch và ngoài kế hoạch, vay dự trữ và luân chuyển vật tư hàng hoá). Không áp dụng đối với các loại vay khác (vay thanh toán, vay thu mua, vay cải tiến kỹ thuật. ..).
- Những xí nghiệp hoạt động yếu kém như quy định trên thì phải trả lãi suất tiền vay bằng 110% lãi suất bình thường của loại vay chính (vay trong định mức vốn lưu động, trên định mức trong kế hoạch và ngoài kế hoạch, vay dự trữ và luân chuyển vật tư hàng hoá). Không áp dụng đối với các loại cho vay khác (vay thanh toán, vay thu mua, vay cải tiến kỹ thuật...)
- Sau 6 tháng áp dụng các hình thức ưu đãi hoặc hạn chế và phạt nêu trên, ngân hàng cơ sở phải tiến hành sơ kết và đánh giá tình hình thực hiện các quan hệ tín dụng, tiền tệ, thanh toán giữa các xí nghiệp với ngân hàng, để xác định lại mức độ phân biệt thích hợp.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sau khi các xí nghiệp được kiểm tra, xét duyệt và công bố hoàn thành kế hoạch năm 1982 theo quyết định số 39-CT ngày 31-1-1983 của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng và trên cơ sở đánh giá việc thực hiện các mặt nghiệp vụ tín dụng, tiền tệ, thanh toán với các xí nghiệp, ngân hàng cơ sở tiến hành phân loại các xí nghiệp, có trao đổi với giám đốc các xí nghiệp về kết quả phân loại và báo cáo lên ngân hàng cấp trên theo quy định tại điều 10.
2. Bước đầu mỗi ngân hàng tỉnh, thành phố tập trung xem xét từ hai đến ba xí nghiệp thuộc loại hoạt động tốt và từ hai đến ba xí nghiệp loại hoạt động yếu kém, làm thủ tục để các cấp có thẩm quyền quyết định, công bố áp dụng các hình thức ưu đãi và phạt. Các hình thức ưu đãi, hạn chế và phạt được áp dụng từ ngày công bố quyết định công nhận xí nghiệp hoạt động tốt hoặc yếu kém. Trước mắt chế độ này chưa áp dụng đối với các xí nghiệp xây lắp bao thầu.
3. Yêu cầu các đồng chí giám đốc ngân hàng tỉnh, thành phố, đặc khu, trưởng ngân hàng huyện, quận, thị xã tổ chức triển khai kịp thời, theo dõi rút kinh nghiệm, báo cáo về ngân hàng cấp trên vào cuối tháng 7 năm 1983.
Quá trình thực hiện có gì vướng mắc hoặc đề xuất cần báo cáo ngay về Ngân hàng trung ương để hướng dẫn giải quyết.