NGHỊ ĐỊNH
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 86 - HĐBT NGÀY 4-8-1983
VỀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA
CƠ QUAN CHUYÊN MÔN THUỘC UỶ BAN NHÂN DÂN HUYỆN.
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Để thực hiện nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 của Ban chấp hành trung ương Đảng (khoá V) và nghị quyết số 50 - HĐBT ngày 17-5-1983 của Hội đồng bộ trưởng về công tác xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện.
NGHỊ ĐỊNH
Điều 1: - Các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân huyện nay gọi là phòng và ban. Phòng và ban thuộc Uỷ ban nhân dân huyện là cơ quan chuyên môn của Uỷ ban đồng thời là tổ chức thuộc hệ thống ngành từ trung ương đến cấp huyện. Các phòng, ban thuộc Uỷ ban nhân dân huyện có chức năng sau đây:
1. Giúp Uỷ ban nhân dân huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với các xã, thị trấn, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, sự nghiệp thuộc quyền quản lý của Uỷ ban nhân dân huyện; chỉ đạo các đơn vị này thực hiện kế hoạch Nhà nước và các mặt công tác khác ở địa phương; thực hiện quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương đối với các tổ chức sản xuất, kinh doanh và sự nghiệp của trung ương hoặc tỉnh, thành phố đóng trên địa bàn huyện theo quy định của Nhà nước.
2. Bảo đảm thực hiện tốt công tác quản lý chuyên môn theo ngành dọc ở địa phương.
Điều 2: - Các phòng, ban chuyên môn có nhiệm vụ giúp Uỷ ban nhân dân huyện về các mặt công tác sau đây công tác:
1. Xây dựng quy hoạch ngành trên cơ sở quy hoạch tổng thể của huyện đã được duyệt;
2. Xây dựng kế hoạch ngành trên cơ sở số kiểm tra của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố giao cho Uỷ ban nhân dân huyện và theo sự hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn cùng ngành thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố;
3. Quản lý và chỉ đạo các đơn vị sản xuất, kinh doanh và sự nghiệp thuộc quyền quản lý của Uỷ ban nhân dân huyện; kiểm tra, đôn đốc các đơn vị này trong việc thực hiện kế hoạch Nhà nước, thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật và các tiêu chuẩn định mức kinh tế - kỹ thuật của Nhà nước.
4. Tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng, điều động, sử dụng cán bộ do cấp trên giao cho huyện thực hiện;
5. Giúp đỡ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sự nghiệp của tỉnh và của trung ương đóng tại địa phương trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch Nhà nước; theo dõi, kiểm tra các cơ sở nói trên trong việc chấp hành chính sách, pháp luật theo quy định của Nhà nước.
Điều 3. - Các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân huyện:
1. Ban kế hoạch, trong đó có bộ phận phân vùng quy hoạch;
2. Phòng thống kê;
3. Phòng lao động;
4. Phòng nông nghiệp (ở các huyện miền núi hoặc nơi có rừng, lập phòng nông - lâm nghiệp hoặc phòng lâm - nông nghiệp). Trong phòng nông nghiệp có bộ phận quản lý ruộng đất và đo đạc bản đồ.
5. Phòng thuỷ sản (đối với các huyện miền biển);
6. Phòng thuỷ lợi;
7. Phòng công nghiệp;
8. Phòng xây dựng;
9. Phòng giao thông vận tải;
10. Bưu điện huyện;
11. Phòng tài chính;
12. Ngân hàng Nhà nước huyện;
13. Phòng thương nghiệp;
14. Phòng lương thực;
15. Phòng giáo dục;
16. Phòng văn hoá và thông tin;
17. Phòng y tế;
18. Phòng thể dục thể thao;
19. Ban chỉ huy quân sự huyện;
20. Công an huyện;
21. Phòng tư pháp;
22. Phòng thương binh và xã hội;
23. Ban thanh tra;
24. Ban tổ chức chính quyền;
25. Văn phòng Uỷ ban, trong đó có bộ phận chuyên trách về công tác trọng tài kinh tế, công tác thi đua khen thưởng, tiếp dân.
Từng huyện căn cứ vào mô hình chung về tổ chức bộ máy trên đây, đồng thời căn cứ vào đặc điểm chính trị, kinh tế, xã hội và khả năng cán bộ của huyện mình để quyết định cụ thể về tổ chức bộ máy và biên chế cho phù hợp với sự phát triển và yêu cầu công tác của địa phương.
Điều 4. - Mỗi phòng, ban chuyên môn có một trưởng phòng hoặc trưởng ban phụ trách và có từ một đến hai phó trưởng phòng hoặc phó trưởng ban giúp cho việc do chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện ra quyết định bổ nhiệm, có sự tham gia ý kiến của thủ trưởng cơ quan chuyên môn cùng ngành của tỉnh.
Các phòng, ban chuyên môn được sử dụng con dấu riêng.
Điều 5.- Tổng số biên chế hành chính thuộc quyền quản lý của Uỷ ban nhân dân huyện có từ 100 đến 120 người.
Điều 6. - Các Bộ, Uỷ ban Nhà nước, các cơ quan khác thuộc Hội đồng bộ trưởng, sau khi tham khảo ý kiến của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương có liên quan, có nhiệm vụ xác định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể cho các phòng, ban chuyên môn cùng ngành ở huyện, để hướng dẫn cho các Uỷ ban nhân dân huyện thực hiện.
Điều 7. - Nghị định này thay thế quyết định số 152-CP ngày 9-4-1981 của Hội đồng Chính phủ.
Những điều quy dịnh trước đây trái với nghị định này đều bãi bỏ.
Điều 8. - Bộ trưởng Tổng thư ký Hội đồng bộ trưởng, các bộ trưởng, chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan thuộc Hội đồng bộ trưởng, chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương có trách nhiệm thi hành nghị định này; Ban tổ chức của Chính phủ có nhiệm vụ theo dõi hướng dẫn việc thực hiện và báo cáo kết quả lên Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng.