Nghị định
của Hội đồng Bộ trưởng số 61-HĐBT ngày 16-6-1983
về việc thành lập Hội đồng thi đua các cấp.
Hội đồng Bộ trưởng
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng bộ trưởng ngày 4-7-1981;
Căn cứ Điều lệ về chế độ làm việc và quan hệ công tác của Hội đồng bộ trưởng ngày 29 tháng 12 năm 1981;
Thi hành chỉ thị số 91-CT/TƯ ngày 27-6-1980 của Ban bí thư trung ương Đảng về tăng cường lãnh đạo phong trào thi đua xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới;
Theo đề nghị của trưởng ban Ban thi đua trung ương;
Với sự thoả thuận của các đoàn thể nhân dân,
Nghị định
Điều 1. - Nay thành lập Hội đồng thi đua ở các cấp, các ngành, từ trung ương đến cơ sở để giúp Hội đồng bộ trưởng, thủ trưởng các ngành và Uỷ ban nhân dân các cấp trong công tác thi đua.
Điều 2. - ở trung ương, thành lập Hội đồng thi đua toàn quốc. Hội đồng thi đua toàn quốc có những nhiệm vụ sau:
a) Thực hiện sự phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước và các đoàn thể nhân dân trong việc tổ chức phong trào thi đua yêu nước xã hội chủ nghĩa, bảo đảm phong trào phát triển mạnh mẽ, đều khắp, đúng hướng mà Đảng và Nhà nước đã đề ra cho từng thời gian. Phân tích tình hình phong trào, từ đó đề xuất với Chính phủ kế hoạch tổ chức, chỉ đạo và tổng kết thi đua.
b) Đề xuất với Nhà nước về việc ban hành hoặc cải tiến, bổ sung chính sách và chế độ khen thưởng thi đua.
c) Xét chọn những cá nhân và tập thể có thành tích đặc biệt xuất sắc để Hội đồng bộ trưởng trình Hội đồng Nhà nước tuyên dương anh hùng.
Điều 3. - Cơ quan thường trực của Hội đồng thi đua toàn quốc là Ban thi đua trung ương.
Điều 4. - Thành phần của Hội đồng thi đua toàn quốc gồm:
- Chủ tịch hội đồng do phó chủ tịch thường trực Hội đồng bộ trưởng kiêm nhiệm.
- Các phó chủ tịch hội đồng gồm:
Đồng chí trưởng ban Ban thi đua trung ương.
Đồng chí tổng thư ký Tổng công đoàn Việt Nam.
Đồng chí trưởng ban Ban thi đua trung ương làm phó chủ tịch thường trực.
- Các uỷ viên hội đồng gồm:
Đồng chí thư ký Tổng công đoàn phụ trách thi đua.
Đồng chí bí thư Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phụ trách thi đua.
Đồng chí phó chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam phụ trách thi đua.
Đồng chí phó chủ nhiệm Liên hiệp xã tiểu, thủ công nghiệp phụ trách thi đua.
Đồng chí phó trưởng ban thường trực Hội liên hiệp nông dân tập thể phụ trách thi đua.
Đồng chí phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phụ trách thi đua.
Đồng chí phó trưởng ban Ban Tuyên huấn trung ương phụ trách tuyên truyền và báo chí.
Các đồng chí phó trưởng ban Ban thi đua trung ương.
Tuỳ theo nội dung từng kỳ sinh hoạt của hội đồng, chủ tịch hội đồng sẽ mời đại diện có thẩm quyền của các cơ quan và đoàn thể khác ở trung ương tham dự như đại diện Mặt trận tổ quốc Việt Nam, đại diện Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước, Bộ Lao động, Bộ Nội vụ, Tổng cục Thống kê, Thông tấn xã Việt Nam và các ban của Đảng như ban dân vận, ban tổ chức ...
Điều 5. - Hội đồng làm việc theo chế độ tập thể. Sinh hoạt của hội đồng 3 tháng một lần, không kể những trường hợp bất thường.
Các thành viên hội đồng sử dụng bộ máy của mình để thực hiện nhiệm vụ được hội đồng phân công.
Điều 6. - Hội đồng thi đua tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc trung ương (gọi tắt là hội đồng thi đua tỉnh), do phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh làm chủ tịch.
Thành viên khác của hội đồng thi đua và chế độ làm việc tương tự như Hội đồng thi đua toàn quốc.
Trưởng ban Ban thi đua khen thưởng tỉnh làm phó chủ tịch chuyên trách thường trực của hội đồng, các đồng chí phó trưởng ban làm uỷ viên.
Hội đồng thi đua của Bộ, Tổng cục do bộ trưởng hoặc thứ trưởng thứ nhất, tổng cục trưởng hoặc phó tổng cục trưởng thứ nhất làm chủ tịch; thư ký công đoàn ngành (nếu có) làm phó chủ tịch, thủ trưởng các cơ quan kế hoạch, lao động tiền lương, khoa học kỹ thuật, tổ chức cán bộ, v.v... do bộ trưởng hoặc tổng cục trưởng chỉ định làm uỷ viên.
Vụ trưởng hoặc trưởng phòng thi đua khen thưởng của Bộ, Tổng cục làm phó chủ tịch hoặc uỷ viên chuyên trách thường trực của hội đồng.
Điều 7. - Các bộ trưởng và tổng cục trưởng, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố và đặc khu trực thuộc trung ương, căn cứ nghị định này, hướng dẫn cấp dưới và các đơn vị trong ngành lập hội đồng thi đua và chấn chỉnh cơ quan hoặc cán bộ thường trực hội đồng, bảo đảm hoạt động của hội đồng thực sự có hiệu quả.
Điều 8. - Bộ trưởng Tổng thư ký Hội đồng bộ trưởng, thủ trưởng các ngành ở trung ương, chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh và thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương, Ban thi đua trung ương có trách nhiệm thi hành nghị định này. Đề nghị các đoàn thể ở trung ương cử người tham gia hội đồng và hướng dẫn cấp dưới thi hành nghị định này.
Điều 9. - Các quy định trước đây trái với nghị định này đều bãi bỏ.