SẮC LỆNH
CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
SỐ 157-SL NGÀY 17 THÁNG 11 NĂM 1950
CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Chiểu Sắc lệnh số 13 ngày 21 tháng 1 năm 1946 và các sắc lệnh tiếp theo tổ chức các toà án;
Chiểu Sắc lệnh số 21 ngày 14 tháng 2 năm 1946 và các sắc lệnh tiếp theo tổ chức các toà án quân sự;
Chiểu Sắc lệnh số 156-SL ngày 17 tháng 11 năm 1950 tổ chức các toà án nhân dân liên khu;
Chiểu đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;
Theo quyết định của Hội đồng Chính phủ, sau khi Ban thường trực Quốc hội thoả thuận;
RA SẮC LỆNH:
Điều 1: Trong những vùng tạm bị địch chiếm có thể thiết lập một toà án gọi là toà án nhân dân vùng tạm bị chiếm.
Quản hạt toà án này có thể là một tỉnh, một số huyện trong một tỉnh, hay một số xã trong một huyện hay trong nhiều huyện.
Điều 2: Toà án nhân dân vùng tạm bị chiếm do nghị định Bộ trưởng Bộ Tư pháp thiết lập, theo đề nghị của Uỷ ban kháng chiến hành chính liên khu sau khi hỏi giám đốc Tư pháp.
Nghị định sẽ định rõ quản hạt của toà án được thành lập.
Trong trường hợp cần thiết, Uỷ ban kháng chiến hành chính liên khu sau khi hỏi ý kiến giám đốc Tư pháp liên khu có thể quyết định tạm thành lập toà án đó, nhưng phải báo cáo ngay lên Bộ trưởng Bộ Tư pháp.
Điều 3: Toà án nhân dân vùng tạm bị chiếm có thẩm quyền của toà án nhân dân huyện, toà án nhân dân tỉnh và toà án quân sự.
Các bản án đều được thi hành ngay.
Về việc hình và hộ, toà án nhân dân vùng tạm bị chiếm thuộc quyền điều khiển của toà án nhân dân tỉnh. Nếu quản hạt của toà án nhân dân vùng tạm bị chiếm là một tỉnh thì trực thuộc quyền điều khiển của toà án nhân dân liên khu hoặc toà phúc thẩm.
Về việc xét xử các việc thuộc thẩm quyền toà án quân sự, toà án nhân dân vùng tạm bị chiếm thuộc quyền điều khiển của toà án quân sự liên khu và Uỷ ban kháng chiến hành chính liên khu. Nếu có toà án nhân dân liên khu thì thuộc quyền điều khiển của toà án nhân dân liên khu.
Điều 4: Thành phần toà án nhân dân vùng tạm bị chiếm ấn định như sau:
- Một chánh án và hai hội thẩm nhân dân;
- Một công tố uỷ viên.
Trong trường hợp không có thẩm phán để ngồi xử hoặc giữ chức công tố uỷ viên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ định các người ngoài ngạch thẩm phán để giữ các chức đó, theo đề nghị của Uỷ ban kháng chiến hành chính và Giám đốc Tư pháp liên khu.
Các hội thẩm nhân dân cũng do Bộ trưởng Bộ Tư pháp chỉ định theo đề nghị của Uỷ ban kháng chiến hành chính liên khu, sau khi hỏi ý kiến giám đốc Tư pháp liên khu.
Bộ trưởng Bộ Bộ Tư pháp có thể uỷ quyền cho Uỷ ban kháng chiến hành chính liên khu.
Điều 5: Bộ trưởng Bộ Tư pháp sẽ qui định cách thức xét xử của toà án vùng tạm bị chiếm cùng chi tiết thi hành sắc lệnh này.
Điều 6: Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chiểu sắc lệnh thi hành.