NGHỊ QUYẾT
CỦA QUỐC HỘI SỐ 06/2002/QH11 NGÀY 12 THÁNG 8 NĂM 2002
VỀ KỲ HỌP THỨ NHẤT, QUỐC HỘI KHOÁ XI
QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn cứ vào Điều 84 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Trên cơ sở xem xét báo cáo kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XI của Hội đồng bầu cử; báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri qua các hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc giữa cử tri với người ứng cử đại biểu Quốc hội khoá XI của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt nam; kết quả bầu, phê chuẩn nhân sự cấp cao của bộ máy nhà nước; báo cáo bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch, ngân sách nhà nước năm 2001 và thực hiện nhiệm vụ kế hoạch, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2002 của Chính phủ và ý kiến của đại biểu Quốc hội;
QUYẾT NGHỊ:
1. Quốc hội đánh giá cao kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XI được tiến hành vào ngày 19-5-2002. Cuộc bầu cử đã đạt được thắng lợi to lớn, bảo đảm dân chủ, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm, với tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu đạt 99,73%, cao nhất từ trước đến nay. 498 đại biểu Quốc hội được bầu đại diện cho các tầng lớp nhân dân, các dân tộc, tôn giáo và các thành phần xã hội, thể hiện sinh động truyền thống đại đoàn kết toàn dân của dân tộc ta. Quốc hội đã xác nhận tư cách đại biểu của 498 người trúng cử trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XI.
Thắng lợi của cuộc bầu cử cho thấy ý thức chính trị, trách nhiệm công dân, trình độ dân trí và sinh hoạt dân chủ của các tầng lớp nhân dân đã được nâng lên một tầm cao mới. Kết quả đó thể hiện sự gắn bó và niềm tin sâu sắc của các tầng lớp nhân dân đối với đường lối đổi mới của Đảng, Nhà nước và tính ưu việt của chế độ ta; khẳng định nhân dân ta rất tin tưởng ở Quốc hội, đánh giá cao vai trò của Quốc hội, đồng thời mong muốn Quốc hội tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực và hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ phát triển mới.
Quốc hội nhiệt liệt biểu dương đồng bào và chiến sĩ cả nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội, cơ quan nhà nước, lực lượng vũ trang nhân dân, các tổ chức phụ trách bầu cử bằng hành động thiết thực của mình đã góp phần làm nên thắng lợi to lớn của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XI.
2. Quốc hội hoan nghênh, ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước tại các cuộc tiếp xúc giữa cử tri với ứng cử viên đại biểu Quốc hội khoá XI, đây là sự đóng góp quý báu, thiết thực, thể hiện tâm huyết của cử tri đối với sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước.
Cử tri đã đánh giá cao kết quả hoạt động của Quốc hội khoá X; đồng thời kiến nghị với Quốc hội khoá XI tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác lập pháp, hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát tối cao, trong đó có việc giải quyết những vấn đề bức xúc trên các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội; quốc phòng, an ninh; cải cách hành chính; chống lãng phí, tham nhũng, buôn lậu; phòng, chống ma tuý và các tệ nạn xã hội khác. Cử tri yêu cầu các vị đại biểu Quốc hội thực hiện tốt chương trình hành động và lời hứa trước cử tri; giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri; thường xuyên tiếp xúc, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng và lắng nghe ý kiến, kiến nghị của cử tri để phản ánh trung thực với Quốc hội và các cơ quan nhà nước hữu quan. Mỗi đại biểu Quốc hội phải luôn gương mẫu, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên quyết đấu tranh chống tiêu cực, hết lòng bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, lợi ích chính đáng của nhân dân, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng là người đại biểu của nhân dân.
Quốc hội yêu cầu các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan, tổ chức hữu quan, các cấp, các ngành, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của cử tri; kịp thời giải quyết các kiến nghị chính đáng của cử tri, nhất là các vấn đề bức xúc mà nhân dân quan tâm và báo cáo kết quả giải quyết với Quốc hội tại các kỳ họp tới.
3. Quốc hội biểu thị sự nhất trí cao với nội dung bài phát biểu quan trọng của Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam tại phiên khai mạc của kỳ họp này. Đây là những quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về việc tiếp tục phát huy quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ mới, là định hướng hoạt động của Quốc hội trong suốt nhiệm kỳ, nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả việc thực hiện chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước. Quốc hội nguyện cùng các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước đoàn kết xung quanh Ban chấp hành Trung ương Đảng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
4. Với tinh thần trách nhiệm trước nhân dân và với sự nhất trí cao, Quốc hội đã phát huy dân chủ, sáng suốt lựa chọn những người có đủ tiêu chuẩn để bầu, phê chuẩn giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước. Kết quả này là sự tiếp tục tiến trình đổi mới tổ chức và hoạt động, xây dựng bộ máy nhà nước trong sạch, vững mạnh, thực sự là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Quốc hội trân trọng ghi nhận ý kiến phát biểu của Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ đã trình bày trước Quốc hội khi nhận trọng trách được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Quốc hội tin tưởng rằng, trên cương vị công tác của mình, các đồng chí sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, của Quốc hội và của nhân dân.
Quốc hội hoan nghênh và tán thành định hướng chương trình hành động của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ trình bày. Với sự nỗ lực phấn đấu của mình, sự giám sát của nhân dân, sự cộng tác, phối hợp chặt chẽ của các cơ quan trong bộ máy nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức và các đoàn thể nhân dân, Chính phủ sẽ hoàn thành nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới.
Quốc hội tin tưởng rằng, trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Nhà nước tiếp tục nêu cao tinh thần cần kiệm liêm chính, chí công vô tư như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
5. Quốc hội tán thành báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2001, thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2002 và nhận thấy:
Sáu tháng đầu năm 2002, mặc dù phải đương đầu với một số khó khăn lớn cả trong nước và ngoài nước, nhưng nhờ sự nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của các ngành, các cấp, nền kinh tế nước ta vẫn duy trì được mức tăng trưởng khá; một số tồn tại, yếu kém trong nền kinh tế đang từng bước được khắc phục; cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch đáng kể; việc huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển và thu ngân sách đạt khá; một số lĩnh vực xã hội có bước chuyển biến tích cực; trật tự, an toàn xã hội được duy trì; quốc phòng, an ninh được giữ vững; quan hệ đối ngoại tiếp tục được mở rộng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế-xã hội còn đan xen những tồn tại, yếu kém. Sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp, cơ cấu sản xuất trong từng ngành, từng vùng chuyển dịch chậm. Chi phí sản xuất trong một số ngành còn cao. Quản lý đầu tư xây dựng cơ bản chưa chặt chẽ, chất lượng nhiều công trình thấp. Giá nông sản thấp, một số sản phẩm nông nghiệp khó tiêu thụ. Sản xuất công nghiệp tuy đạt mức tăng trưởng theo dự kiến, nhưng hiệu quả sản xuất chưa cao. Kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước và còn thấp so với kế hoạch đề ra. Tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và tệ tham nhũng vẫn diễn ra phức tạp. Các lĩnh vực xã hội tuy có tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều tồn tại đáng lo ngại, tình hình khiếu nại, tố cáo không giảm. Tai nạn giao thông có xu hướng gia tăng. Tội phạm có tổ chức và các tệ nạn xã hội như ma tuý, mại dâm, cờ bạc vẫn đang là vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội.
Căn cứ vào tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2002, Quốc hội yêu cầu Chính phủ và các cơ quan nhà nước hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đóng góp của đại biểu Quốc hội, tập trung chỉ đạo thực hiện các giải pháp mạnh mẽ nhằm đạt kết quả cao nhất các chỉ tiêu về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước năm 2002 như Nghị quyết đã được Quốc hội khoá X thông qua. Đặc biệt chú ý đến một số giải pháp nhằm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh; tháo gỡ khó khăn, ách tắc để đạt mức kim ngạch xuất khẩu cao nhất; chủ động phòng, chống thiên tai để hạn chế tối đa thiệt hại; bảo đảm thu, chi ngân sách nhà nước và thực hiện có hiệu quả các biện pháp đồng bộ đấu tranh chống buôn lậu, lãng phí, tham nhũng, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông.
6. Quốc hội yêu cầu các cơ quan của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức hữu quan, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, xác định những vấn đề thực sự bức xúc để khẩn trương chuẩn bị chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và chương trình giám sát của nhiệm kỳ Quốc hội khoá XI có tính khả thi cao. Trước mắt, tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khoá X về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2002, khẩn trương chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh để trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong thời gian tới.
Dự án Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi) sẽ tiếp tục được hoàn chỉnh để trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 2. Việc phân bổ ngân sách trung ương năm 2003 thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước hiện hành.
7. Các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan theo nhiệm vụ và quyền hạn của mình chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết này.
Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội giám sát chặt chẽ việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội.
Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên động viên các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các Nghị quyết của Quốc hội.
*
* *
Quốc hội kêu gọi đồng bào, chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài nêu cao tinh thần yêu nước, đoàn kết một lòng, tự lực, tự cường, cần kiệm xây dựng đất nước, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2002, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hoá, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ nhất thông qua ngày 12 tháng 8 năm 2002.