• Hiệu lực: Chưa ban hành
  • Ngày ban hành: 04/12/1989

             

THÔNG TƯ

SỐ 159-NH/TT NGÀY 4-12-1989

HƯỚNG DẪN THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH SỐ 146-NH/QĐ NGÀY 1-11-1989

VỀ THỂ LỆ THANH TOÁN BẰNG SÉC ĐỊNH MỨC

 

Để thi hành đúng đắn Quyết định số 146/NH/QĐ ngày 1-11-1989 của Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành thể lệ thanh toán bằng séc định mức, Ngân hàng Nhà nước trung ương hướng dẫn thực hiện như sau:

I. Phạm vi và thời gian áp dụng séc định mức

1. Phạm vi áp dụng:

- Đơn vị cá nhân (dưới đây gọi chung là khách hàng) không phân biệt thành phần kinh tế, đã có tài khoản, tiền gửi, tiền vay hoặc định mức kinh phí ở các tổ chức Ngân hàng thuộc hệ thống Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đều được sử dụng séc định mức.

- Khách hàng không có tài khoản ở Ngân hàng muốn sử dụng séc định mức phải nộp vào Ngân hàng bằng tiền mặt tương ứng với giá trị của sổ séc định mức xin nhận.

- Khách hàng của các Ngân hàng ngoài hệ thống Ngân hàng Nhà nước (Quỹ tín dụng nhân dân, Ngân hàng cổ phần) được sử dụng séc định mức khi Ngân hàng nơi mở tài khoản có đề nghị bằng văn bản và được Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước đồng ý bằng văn bản cho sử dụng séc định mức, có hướng dẫn riêng.

2. Thời gian thi hành:

Séc định mức ban hành theo Quyết định số 146-NH/QĐ ngày 1-11-1989 của Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-1990; thay thế séc định mức và séc bảo chi ban hành theo Quyết định số 57-NH/QĐ ngày 24-6-1987; Chỉ thị số 10-NH/CT ngày 21-1-1989 và Chỉ thị số 138-NH/CT ngày 10-10-1989 của Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Nội dung cụ thể quy định tại phần VII của Thông tư này.

II. Thời hạn hiệu lực sử dụng và hiệu lực thanh toán của séc định mức là 6 tháng kể từ ngày Ngân hàng nhượng séc định mức cho khách hàng đến ngày người nhận séc nộp vào Ngân hàng để ghi có tài khoản.

Ngày cuối cùng của thời hạn hiệu lực nói trên được Ngân hàng nhượng séc đóng dấu (hoặc viết tay) xác định trên tất cả các tờ séc khi bán cho khách hàng. Trong thời hạn hiệu lực đó, người bán hàng nhận séc phải nộp vào Ngân hàng phục vụ mình để ghi có tài khoản. Quá thời hạn này, Ngân hàng không thu nhận séc nộp vào, khách hàng là bên bán phải liên hệ với người trả séc để đổi lấy tờ mới còn thời hạn hiệu lực thanh toán.

III. Thủ tục mở tài khoản tiền gửi séc định mức (02.232), nhượng séc

1. Việc nhượng séc định mức cho khách hàng do Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng chuyên doanh đảm nhận. Khách hàng mở tài khoản thanh toán tại Ngân hàng nào sẽ được Ngân hàng đó nhượng séc. Mỗi Ngân hàng cần tổ chức một tổ hoặc bộ phận công tác gồm tổ trưởng và một số tổ viên chuyên trách về séc định mức nhằm giải quyết kịp thời nhu cầu mở tài khoản, nhượng séc, nhận séc và xử lý séc định mức lúc khách hàng nộp vào hoặc qua liên hàng chuyển đến.

2. Khách hàng có nhu cầu sử dụng séc định mức phải lập giấy uỷ nhiệm chi và giấy đề nghị nhượng séc đưa đến Ngân hàng nơi mở tài khoản của mình sang tài khoản 232. Nếu nộp tiền mặt sẽ nộp trực tiếp để mở tài khoản 232. Tiền gửi séc định mức ở tài khoản này không được tính lãi. Giấy đề nghị nhượng séc lập thành 2 bản, 1 bản giao cho khách hàng và một bản do Ngân hàng lưu giữ. Khách hàng tự tính toán số lượng séc định mức từng loại khớp đúng với số tiền lưu ký, ghi cụ thể vào giấy đề nghị nhượng séc.

3. Kế toán trưởng Ngân hàng kiểm tra và duyệt giấy đề nghị nhượng séc của khách hàng chuyển cho thanh toán viên nhượng séc thực hiện.

4. Thanh toán viên nhượng séc cho khách hàng phải thực hiện đầy đủ các quy định sau đây:

A) Mở cho mỗi khách hàng một tiểu khoản sổ phụ của tài khoản 232 để theo dõi riêng.

B) Xuất séc cho khách hàng khớp đúng với số lượng tờ, loại mức tiền in sẵn, tổng số tiền ghi trên giấy đề nghị nhượng séc và số tiền đã có trên tài khoản 232.

C) Xác định ngày có hiệu lực thanh toán cuối cùng của tờ séc. Đó là ngày cuối cùng sau 6 tháng tính từ ngày nhượng séc.

Ví dụ: Nhượng séc ngày 15-1-1990. Ngày có hiệu lực thanh toán cuối cùng 15-7-1990.

- Đóng dấu (trước mắt chưa có dấu thì viết tay) ngày có hiệu lực thanh toán cuối cùng nói trên vào ô dành sẵn mặt trước của tất cả các tờ séc nhượng ra cùng ngày. Trong ví dụ trên dấu phải đóng là ngày 15-7-1990.

- Thanh toán viên phải tự viết vào ô dành sẵn ở tất cả các tờ séc nhượng cho khách hàng: Tên đơn vị trả séc, số hiệu tài khoản; tên ngân hàng mở tài khoản. Chú ý không viết tắt, không được viết bằng bút chì, mực đỏ, không được nhờ khách hàng viết hộ.

D) Riêng các Ngân hàng chuyên doanh cuối ngày giao dịch phải lập bảng thống kê số séc nhượng ra trong ngày, kèm với bảng kê chi tiết của khách hàng lập để chuyển vốn lưu ký của khách hàng cùng các bảng kê nói trên vào sổ phụ tài khoản 232 quy định tại phần III, điểm 4 tiết a sang Ngân hàng Nhà nước lưu theo dõi. Vốn trong thanh toán lưu ký séc định mức (232) được thể hiện ở Ngân hàng Nhà nước, không thể hiện ở Ngân hàng chuyên doanh.

Đ) Nếu Ngân hàng chuyên doanh không không chuyển vốn và chứng từ quy định ở điểm d nói trên sang Ngân hàng Nhà nước, thì Ngân hàng chuyên doanh phải chịu phạt như trường hợp phát hành séc quá số dư theo chế độ hiện hành.

IV. Thu nhận và tổ chức thanh toán séc định mức của khách hàng nộp vào.

1. Khách hành phải lập bảng kê nộp séc theo quy định của chế độ kế toán Ngân hàng hiện hành.

2. Ngân hàng từ chối không nhận những tờ séc không hợp lệ (theo quy định điều 5 Thể lệ thanh toán bằng séc định mức), trả lại khách hàng để khách hàng tự giải quyết. Nếu phát hiện séc giả mạo, thanh toán viên phải giữ lại các tờ séc giả mạo đó và phải báo cáo ngay thủ trưởng đơn vị biết để có biện pháp xử lý ngay.

3. Sau khi xử lý ghi Có tài khoản của khách hàng, thanh toán viên phải đóng dấu "đã thanh toán Ngày... Tháng... Năm..." Vào mặt trước các tờ séc đó. Riêng Ngân hàng chuyên doanh phải lập các bảng kê kèm theo các tờ séc khách hàng nộp vào và chuyển sang Ngân hàng Nhà nước xử lý tiếp.

4. Ngân hàng Nhà nước kiểm tra các bảng kê kèm các tờ séc của Ngân hàng chuyên doanh chuyển sang. Nếu phát hiện có tờ séc bất hợp lệ, séc nghi vấn, hoặc có sai sót về số học giữa bảng kê và các tờ séc, Ngân hàng Nhà nước trả lại Ngân hàng chuyên doanh giải quyết.

5. Tổ trưởng hoặc trưởng bộ phận thanh toán séc định mức phân loại các tờ séc theo tên Ngân hàng của đơn vị trả séc đã ghi trên séc thành 3 nhóm:

- Các tờ séc do Ngân hàng mình mở tài khoản 232.

- Các tờ séc do Ngân hàng mở tài khoản 232 có tham gia thanh toán đồng thời.

- Các tờ séc do Ngân hàng mở tài khoản 232 tham gia thanh toán liên hàng. Sau đó xử lý theo chế độ kế toán hiện hành đối với mỗi nhóm séc định mức.

V. Bảo quản, sử dụng, lưu trữ, séc định mức.

1. Tại Ngân hàng Nhà nước Trung ương các đơn vị được giao nhiệm vụ về in, dự trữ, bảo quản xuất nhập séc định mức phải thực hiện nghiêm ngặt theo quy chế in, bảo quản, dự trữ, xuất nhập và điều chuyển chứng từ có giá.

2. Tại Ngân hàng Nhà nước khu vực, tỉnh, thành phố, phòng đại diện Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng chuyên doanh liên quan thực hiện chế độ bảo quản, hạch toán, kiểm kê đối chiếu séc định mức trong kho dự trữ và trong két giao dịch như đối với chế độ bảo quản, hạch toán, kiểm kê, đối chiếu tiền mặt định kỳ và hàng ngày.

3. Để xẩy ra mất séc định mức sẽ xử lý như để xẩy ra mất tiền mặt. Nếu gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ Luật Hình sự.

4. Đối với đơn vị phát hành séc định mức (gọi chung là đơn vị trả séc) chịu trách nhiệm bảo quản, sử dụng séc định mức theo quy định điều 7 Thể lệ xét định mức, trong đó chú ý những điểm hướng dẫn thêm sau đây:

A) Nếu chủ tài khoản đồng thời là người cầm séc đi mua hàng cần điền sẵn tên, số giấy chứng minh, địa chỉ của mình vào mặt sau tờ séc; ký ở các ô chừa sẵn trên séc: Chủ tài khoản; người cầm séc mua hàng (ký lần thứ nhất - ký sẵn); người cầm séc mua hàng (ký lần thứ 2) với sự giám sát của người nhận séc, đồng thời xuất trình giấy chứng minh mang theo để người nhận séc kiểm tra.

B) Đối với người được chủ tài khoản uỷ nhiệm cầm séc đi mua hàng (gọi tắt là người cầm séc mua hàng) cần thực hiện những quy định sau:

- Ký vào tất cả các tờ séc được giao chữ ký thứ nhất trước mặt chủ tài khoản.

- Điền tên, số giấy chứng minh, ngày và nơi cấp; địa chỉ thường trú của mình vào mặt sau của tờ séc, đề phòng kẻ gian lợi dụng.

- Chữ ký thứ 2 chỉ ký khi trả séc với sự giám sát tại chỗ của người nhận séc; đồng thời xuất trình giấy chứng minh để người bán hàng nhận séc kiểm tra. Chữ ký lần thứ nhất và chữ ký lần thứ hai phải giống nhau.

C) Bảo quản séc như bảo quản tiền mặt, chứng từ có giá. Mất séc là mất tiền, sẽ bị xử lý theo điều 7 của Thể lệ séc định mức.

5. Đối với người bán hàng, cung ứng dịch vụ, nhận séc (gọi tắt là người nhận séc).

A) Kiểm tra séc hợp lệ, chỉ thu nhận séc hợp lệ theo điều 5 Thể lệ séc định mức; nếu phát hiện séc giả mạo hoặc séc có nghi vấn phải báo cáo ngay cho thủ trưởng đơn vị để xử lý kịp thời. Nếu là kẻ gian giả mạo séc, phải thực hiện ngay các biện pháp cần thiết để bắt giữ.

B) Kiểm tra người cầm séc mua hàng.

- Đối chiếu họ, tên, số và ngày giấy chứng minh của người cầm séc mua hàng xuất trình với họ, tên, số và ngày giấy chứng minh ghi trên séc để nhận dạng.

- Đối chiếu chữ ký thứ 2 tại chỗ phải giống chữ ký thứ nhất.

C) Để mất séc như mất tiền, để séc quá hạn hoặc nhận séc không hợp lệ, đơn vị bán hàng nhận séc phải chịu trách nhiệm.

VI. Tất toán tài khoản 232

1. Hết thời hạn hiệu lực sử dụng séc định mức, chủ tài khoản đem séc định mức còn lại đến Ngân hàng nơi mở tài khoản 232 để đổi séc mới (nếu có nhu cầu sử dụng) hoặc nộp lại Ngân hàng để tất toán tài khoản 232, chuyển số dư còn lại về tài khoản tiền gửi thanh toán để sử dụng. Số tiền hoàn chuyển tương ứng với tổng giá trị các tờ séc nộp lại. Séc định mức do khách hàng mua trước đây bằng tiền mặt, nếu không sử dụng đến và nộp lại sẽ được Ngân hàng hoàn trả lại bằng tiền mặt (hoặc chuyển khoản tuỳ ý khách hàng).

2. Nếu chủ tài khoản bị mất séc, việc hoàn trả vốn về tài khoản thanh toán giải quyết như sau:

A) Lúc mất séc chủ tài khoản phải có văn bản báo cáo Ngân hàng mở tài khoản biết.

B) Sau 6 tháng tính từ ngày hết hiệu lực thanh toán của tờ séc đó (tức là 12 tháng kể từ ngày nhượng séc ở Ngân hàng), Ngân hàng nơi mở tài khoản sẽ xem xét việc hoàn trả. Nếu những tờ séc bị mất có số sê ri ghi trong giấy đề nghị nhượng séc lưu ở Ngân hàng và đơn vị và khớp đúng số tiền còn lại trên tài khoản 232 thì đơn vị sẽ được hoàn trả.

C) Nếu sau 12 tháng nói trên có những tờ séc định mức báo mất (đã được Ngân hàng hoàn lại vốn nói trên) trở về thì đơn vị mất séc phải chịu thiệt hại.

VII. Những quy định về séc định mức, séc bảo chi ban hành theo Quyết định số 57-NH/QĐ ngày 24-6-1987; Chỉ thị số 10-NH/CT ngày 21-1-1989 và Chỉ thị số 138-NH/CT ngày 10-10-1989 của Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước hết hiệu lực thi hành.

1. Séc định mức và séc bảo chi ban hành theo Quyết định số 57-NH/QĐ ngày 24-6-1987 của Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hết hiệu lực thi hành đến cuối ngày 31-12-1989. Sau ngày đó các đơn vị, cá nhân phải nộp lại Ngân hàng (nơi nhượng séc nói trên) số séc còn lại, đồng thời nộp bảng kê đối chiếu với Ngân hàng mở tài khoản những tờ séc đã phát hành nhưng chưa trở về Ngân hàng.

2. Ngân hàng không thu nhận séc bảo chi và séc định mức (loại cũ) do khách hàng phát hành và nộp vào Ngân hàng sau ngày 31-12-1989. Đối với những tờ séc đã thanh toán ghi Có tài khoản người nhận séc trước ngày 31-12-1989, nếu sau thời gian đó mới quay trở về Ngân hàng mở tài khoản, Ngân hàng vẫn tiếp tục xử lý theo chế độ hiện hành.

3. Ngân hàng chuyên doanh tỉnh, thành phố, khu vực và phòng đại diện Ngân hàng Nhà nước nhận séc định mức mới tại Ngân hàng Nhà nước khu vực, tỉnh, thành phố để về giao trực tiếp cho các Ngân hàng chuyên doanh cơ sở. Thủ tục giao nhận séc thực hiện như chế độ giao nhận chứng từ có giá hiện hành.

Từ ngày 1-1-1990 Ngân hàng Nhà nước bắt đầu tổ chức mở tài khoản 232 và nhượng séc cho khách hàng.

VIII. Séc định mức, séc bảo chi cũ còn lại trong kho các đơn vị Ngân hàng cơ sở và do khách hàng nộp lại, các đơn vị Ngân hàng cần tổ chức kiểm kê vào sổ theo dõi đối chiếu khớp đúng số nhập, xuất và tồn kho hai loại séc trên; tổ chức bảo quản chu đáo thực hiện theo hướng dẫn xử lý của Vụ kế toán tài vụ Ngân hàng Nhà nước Trung ương.

IX. Tổ chức chỉ đạo thực hiện

1. Vụ kế toán tài vụ chịu trách nhiệm hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật hạch toán séc định mức và xử lý những vướng mắc về mặt này trong quá trình thực hiện.

2. Việc triển khai thực hiện Thể lệ và Thông tư hướng dẫn thực hiện Thể lệ thanh toán bằng séc định mức sẽ được tổ chức đồng thời trong cả nước. Các đồng chí Giám đốc Ngân hàng Nhà nước và Giám đốc Ngân hàng chuyên doanh khu vực, tỉnh, thành phố, đặc khu, quận huyện, thị xã, trưởng phòng đại diện Ngân hàng Nhà nước phải trực tiếp chỉ đạo triển khai thực hiện; giải quyết những khó khăn vướng mắc tại địa phương phù hợp với quy định của Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước về vấn đề này. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ trong nội bộ Ngân hàng và phổ biến đầy đủ cho khách hàng nắm vững thực hiện; kết hợp với các cơ quan thông tin, báo chí tuyên truyền rộng rãi.

X. Các đồng chí Vụ trưởng Vụ Chế độ, Vụ kế toán - tài vụ, Vụ Kinh tế và kế hoạch; Vụ lưu thông tiền tệ và kho quỹ; các đồng chí Tổng giám đốc Ngân hàng chuyên doanh Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng chuyên doanh khu vực, tỉnh, thành phố, đặc khu chịu trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của các Ngân hàng cơ sở; tổng hợp tình hình báo cáo Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước. Trong quá trình thực hiện nếu có những vướng mắc, cần báo cáo kịp thời lên Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để giải quyết.