THÔNG TƯ
SỐ 33/NH-TT NGÀY 15-3-1989 CỦA NGÂN HÀNG
NHÀ NƯỚC VIỆT NAM HƯỚNG DẪN THI HÀNH ĐIỀU LỆ QUẢN LÝ NGOẠI HỐI CỦA NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành Điều lệ quản lý ngoại hối của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam kèm theo Nghị định số 161-HĐBT ngày 18/10/1988; Căn cứ vào Điều 3 của Nghị định, Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn thi hành Điều lệ quản lý ngoại hối của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam như sau:
1. VỀ PHẠM VI QUẢN LÝ NGOẠI HỐI
(Điều 1, 2, 3)
Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước về ngoại hối và kinh doanh ngoại hối. Mọi việc kinh doanh ngoại hối đều được thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam là cơ quan được phép kinh doanh ngoại hối. Ngoài ra, các Ngân hàng chuyên doanh khác, các Ngân hàng liên doanh với nước ngoài, các chi nhánh Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, các tổ chức kinh tế trong nước muốn kinh doanh ngoại hối hoặc dịch vụ thu ngoại tệ (kể cả kinh doanh dịch vụ thu ngoại tệ tiền mặt) đều phải được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Trung ương cho phép.
Việc lưu thông ngoại tệ trong nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam chỉ được thực hiện qua các Ngân hàng và các tổ chức kinh doanh, dịch vụ được phép thu ngoại tệ nói trên.
Nghiêm cấm việc mua, bán, trao đổi ngoại tệ trên thị trường tự do.
Ngoại hối quy định trong Điều lệ bao gồm:
A) Các loại tiền nước ngoài bao gồm tiền giấy, tiền bằng kim loại còn hiệu lực lưu hành, các loại phiếu, các phương tiện chi trả được ghi bằng tiền nước ngoài như công trái Nhà nước, phiếu kho bạc, trái phiếu, hối phiếu, cổ phiếu, ngân phiếu, phiếu lợi tức, séc thường, séc lữ hành, thư tín dụng lữ hành, lệnh trả tiền, giấy nhận nợ và các giấy chứng nhận tiền gửi Ngân hàng, tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi bưu điện (dưới đây gọi tắt là ngoại tệ).
Riêng đối với những loại giấy tờ chỉ có giá trị thanh toán và sử dụng bằng ngoại tệ ở nước ngoài chưa áp dụng tại Việt Nam như thẻ tín dụng (Credit Card)... Thì chưa thuộc phạm vi quản lý ngoại hối theo quy định trong Thông tư này.
B) Kim loại quý, đá quý khi được mang hoặc chuyển ra nước ngoài và từ nước ngoài mang hoặc chuyển vào Việt Nam bao gồm: vàng, bạc và các loại kim loại thuộc nhóm bạch kim (platin, pa-la-di, I-ri-di, Ru-te-ni, Os-mi) ở thể nguyên chất hay hợp kim dưới dạng thỏi, nén, khối, lá, hột, mảnh vụn, bột, dung dịch hay đã làm thành các loại tư trang, vật dụng thí nghiệm, đồ dùng gia đình và cá nhân, tác phẩm văn hoá nghệ thuật, vật lưu niệm, đồng tiền cũ không có giá trị lưu hành; đá quý gồm kim cương, nhóm Ru-bi, Sa-phia còn nguyên thể hoặc đã chế biến.
2. VỀ ĐỐI TƯỢNG QUẢN LÝ NGOẠI HỐI
(điều 4)
Điều lệ quản lý ngoại hối được áp dụng cho các đối tượng sau đây:
A) Các tổ chức và công dân Việt Nam ở trên lãnh thổ Việt Nam và nước ngoài bao gồm:
- Các cơ quan, tổ chức kinh tế và xã hội của Việt Nam có trụ sở và địa điểm làm việc tại Việt Nam;
- Các công dân Việt Nam sinh sống tại Việt Nam và công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;
- Các đại sứ quán, lãnh sự quán, Thương vụ và các cơ quan đại diện khác của Việt Nam đặt ở nước ngoài. Công dân Việt Nam đang công tác, lao động, học tập, du lịch, chữa bệnh, thăm viếng ... Ở nước ngoài.
- Các tổ chức liên doanh của Việt Nam với nước ngoài hoạt động theo Luật đầu tư của Việt Nam.
B) Các tổ chức và công dân nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam bao gồm:
- Các Đại sứ quán, lãnh sự quán, Thương vụ, các tổ chức quốc tế, các cơ quan đại diện thường trú khác của nước ngoài tại Việt Nam; công dân nước ngoài đang công tác, học tập, du lịch, chữa bệnh, thăm viếng tại Việt Nam;
- Các tổ chức và công dân nước ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh sô sống tại Việt Nam.
3. VỀ KẾ HOẠCH NGOẠI TỆ
(Điều 5)
Nhà nước quản lý ngoại tệ theo kế hoạch. Các Ngành, địa phương và đơn vị kinh tế có thu chi ngoại tệ phải lập kế hoạch gửi các cơ quan theo quy định của Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, Uỷ ban kế hoạch Nhà nước tổng hợp kế hoạch ngoại tệ của cả nước và lập bảng cân đối thu chi ngoại tệ trình Hội đồng Bộ trưởng.
Các đơn vị có ngoại tệ gửi tại Ngân hàng cần lập dự trù thu hoặc chi ngoại tệ theo quý và năm gửi Ngân hàng nơi mở tài khoản ngoại tệ để Ngân hàng chủ động phục vụ và giải quyết cho đơn vị. Ngân hàng có trách nhiệm chi ngoại tệ theo lệnh của chủ tài khoản đúng với chế độ quy định của Nhà nước.
Đối với ngoại tệ thuộc quỹ ngoại tệ tập trung của Nhà nước gửi vào tài khoản tại Ngân hàng thì kế hoạch chi phải được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng duyệt. Bộ tài chính là chủ tài khoản ngoại tệ tập trung của Nhà nước, là cơ quan tổ chức hạch toán, quản lý và điều hành thực hiện kế hoạch thu chi ngoại tệ tập trung của Nhà nước.
Ngân hàng ngoại thương được Ngân hàng Nhà nước uỷ quyền thực hiện kế hoạch thu, chi ngoại tệ về phương diện quỹ và thực hiện thanh toán quốc tế giữa nước ta với nước ngoài. Đối với các Ngân hàng khác khi thực hiện thanh toán quốc tế phải được Ngân hàng Nhà nước Trung ương cho phép.
4. VỀ VIỆC CHUYỂN NGOẠI TỆ VÀO VÀ RA KHỎI VIỆT NAM
(điều 6)
A) Việc chuyển ngoại tệ từ nước ngoài vào Việt Nam dưới các hình thức (ngoại tệ mang theo người, ngoại tệ chuyển qua Ngân hàng, Bưu điện hay các hình thức khác...) Được khuyến khích và không hạn chế.
B) Công dân nước ngoài và công dân Việt Nam khi nhập cảnh cũng như xuất cảnh đều phải khai theo tờ khai Hải quan tại cửa khẩu về số ngoại tệ mang theo người (Không phải xuất trình ) trừ trường hợp được miễn khai theo quy định của Nhà nước. Trường hợp có nghi vấn thì Hải quan yêu cầu kiểm tra đúng với chức năng của Hải quan.
C) Công dân nước ngoài và công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài được mang hoặc chuyển ra nước ngoài số ngoại tệ còn lại sau khi đã chi tiêu tại Việt Nam.
D) Đối với công dân Việt Nam có ngoại tệ mang ra nước ngoài khi xuất cảnh thì phải có giấy phép của Ngân hàng ngoại thương hoặc Ngân hàng khác do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định.
5. VỂ MUA, BÁN, CHUYỂN NHƯỢNG VÀ GỬI NGOẠI TỆ TẠI NGÂN HÀNG
(điều 7, 8)
A) Các tổ chức và công dân Việt Nam có ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu và kinh doanh dịch vụ (kể cả trường hợp nhượng bán vật tư, sản phẩm) đều phải gửi vào tài khoản của mình tại Ngân hàng Ngoại thương hoặc Ngân hàng khác được Ngân hàng Nhà nước cho phép (gọi tắt là Ngân hàng được uỷ quyền). Sau khi đã làm nghĩa vụ về ngoại tệ cho Nhà nước theo quy định thì số ngoại tệ còn lại gửi tại Ngân hàng được hưởng lãi bằng ngoại tệ theo lãi suất do Ngân hàng ngoại thương hoặc Ngân hàng được uỷ quyền công bố trong phạm vi khung lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Trung ương. Chủ tài khoản được sử dụng số ngoại tệ trên tài khoản của mình để thanh toán tiền hàng nhập khẩu, chi trả các khoản dịch vụ, bán cho Ngân hàng hay sử dụng vào các mục đích khác theo đúng chế độ của Nhà nước quy định. Khi chuyển nhượng cho tổ chức hoặc cá nhân thì người được hưởng phải có tài khoản ngoại tệ tại Ngân hàng (nếu chưa có thì xin mở tài khoản theo quy định và hướng dẫn của Ngân hàng Ngoại thương hoặc Ngân hàng được uỷ quyền. Các tổ chức không được thanh toán trực tiếp cho nhau bằng ngoại tệ tiền mặt.
Trong trường hợp đặc biệt, các tổ chức và đơn vị kinh tế cần mở tài khoản ngoại tệ ở nước ngoài thì phải được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Trung ương cho phép và định kỳ hàng quý phải báo cáo cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Trung ương (Vụ kinh tế đối ngoại) về tình hình thu chi ngoại tệ trên các tài khoản đó.
B) Các tổ chức và công dân Việt Nam khi có nhu cầu chi ngoại tệ để phục vụ sản xuất, kinh doanh hoặc đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài được thủ trưởng Bộ, Ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương xác nhận thì Ngân hàng Ngoại thương hoặc Ngân hàng được uỷ quyền xem xét bán một số ngoại tệ cần thiết theo tỷ giá kinh doanh tại thời điểm bán ngoại tệ. Công dân Việt Nam khi được phép xuất cảnh để giải quyết việc riêng (du lịch, chữa bệnh, thăm viếng) thì có thể được mua một số ngoại tệ cần thiết theo tỷ giá kinh doanh. Thủ tục mua, bán ngoại tệ theo quy định và hướng dẫn của Ngân hàng ngoại thương hoặc Ngân hàng được uỷ quyền.
6. VỀ VAY NGOẠI TỆ VÀ BẢO LĨNH VAY NGOẠI TỆ
(điều 9)
Các tổ chức và công dân Việt Nam có nhu cầu vay ngoại tệ để phục vụ sản xuất, kinh doanh đã được thủ trưởng Bộ, Ngành hay Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu xác nhận trên phương án sản xuất, kinh doanh thì được Ngân hàng ngoại thương hay Ngân hàng được uỷ quyền xem xét cho vay ngoại tệ hoặc bảo lĩnh vay ngoại tệ theo chế độ cho vay ngoại tệ và quy chế bảo lĩnh vay ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Trung ương quy định.
Trường hợp tổ chức và đơn vị kinh tế được các cơ quan có thẩm quyền cho phép trực tiếp vay nước ngoài dưới hình thức tín dụng thương mại thì định kỳ vào cuối mỗi quý phải báo cáo cho Ngân hàng ngoại thương nơi có quan hệ về tình hình vay và trả nợ.
7. VỀ TRAO ĐỔI HÀNG HOÁ THEO PHƯƠNG THỨC "HÀNG ĐỔI HÀNG"
(điều 10)
Các tổ chức và đơn vị kinh tế được các cơ quan có thẩm quyền cho phép trao đổi hàng hoá với nước ngoài theo phương thức "hàng đổi hàng" và thanh toán bù trừ thì định kỳ vào cuối mỗi quý phải báo cáo cho Ngân hàng Ngoại thương nơi có quan hệ trị giá bằng ngoại tệ của hàng hoá đã trao đổi và số ngoại tệ đã thanh toán bù trừ.
8. VỀ SỬ DỤNG NGOẠI TỆ CỦA CÔNG DÂN VIỆT NAM
(điều 11)
Công dân Việt Nam có ngoại tệ không kể nguồn gốc đều có thể được sử dụng.
A) Bán cho Ngân hàng ngoại thương hoặc Ngân hàng được uỷ quyền theo tỷ giá kinh doanh tại thời điểm mua ngoại tệ.
B) Mua hàng tại các của hàng được phép bán hàng mua ngoại tệ hoặc chi trả các dịch vụ cho các tổ chức hoặc cá nhân được phép thu ngoại tệ.
C) Gửi vào tài khoản tiền gửi bằng ngoại tệ không kỳ hạn hoặc có kỳ hạn tại Ngân hàng ngoại thương hoặc Ngân hàng được uỷ quyền và được hưởng lãi bằng ngoại tệ theo lãi suất do các Ngân hàng nói trên công bố trong phạm vi khung lãi suất của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Trung ương.
D) Ngoại tệ gửi tại Ngân hàng được sử dụng để thanh toán hoặc chuyển nhượng cho các tổ chức và cá nhân có tài khoản ngoại tệ tại Ngân hàng (nếu người được hưởng Ngoại tệ chưa có tài khoản thì làm thủ tục xin mở tài khoản theo quy định và hướng dẫn của Ngân hàng ngoại thương hoặc Ngân hàng được uỷ quyền. Khi cần thiết, chủ tài khoản có thể được rút tiền mặt ngoại tệ theo quy định của Ngân hàng nơi mở tài khoản.
9. VỀ SỬ DỤNG NGOẠI TỆ TỪ NƯỚC NGOÀI CHUYỂN VÀO CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÔNG DÂN NƯỚC NGOÀI VÀ CÔNG DÂN VIỆT NAM
(điều 12)
Các tổ chức, công dân nước ngoài và công dân Việt Nam có ngoại tệ từ nước ngoài mang vào có khai Hải quan hoặc chuyển qua Ngân hàng thì được sử dụng như quy định tại điểm 8 nói trên của Thông tư này, ngoài ra còn được mang hoặc chuyển ra nước ngoài số ngoại tệ đã mang hoặc chuyển vào Việt Nam nhưng chi tiêu không hết.
10. VỀ TỶ GIÁ
(điều 13)
Tỷ giá áp dụng trong việc thanh toán, mua, bán và chuyển đổi ngoại tệ được thực hiện theo tỷ giá kinh doanh của Ngân hàng ngoại thương hoặc Ngân hàng được uỷ quyền công bố trên cơ sở tỷ giá do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Trung ương quy định.
11. VỀ KIM LOẠI QUÝ, ĐÁ QUÝ
(điều 14, 15, 16,17)
A) Công dân nước ngoài và công dân Việt Nam được mang hoặc chuyển vào Việt Nam kim loại quý, đá quý, với số lượng không hạn chế nhưng phải làm thủ tục khai Hải quan cửa khẩu.
B) Các tổ chức, đơn vị kinh tế có nhu cầu nhập khẩu kim loại quý, đá quý để phục vụ sản xuất, kinh doanh phải có đơn xin nhập và đề án sử dụng kim loại quý, đá quý theo hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Trung ương.
C) Việc mang hoặc chuyển kim loại quý, đá quý ra nước ngoài dưới bất kỳ hình thức nào đều phải có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp và phải khai với Hải quan cửa khẩu khi xuất cảnh.
Những trường hợp sau đây không phải xin giấy phép của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:
- Công dân Việt Nam tạm thời ra nước ngoài, khi xuất cảnh có thể mang theo người tư trang không quá 7,50 gam vàng, 37,5 gam bạc và một hạt kim cương không quá 0,600 gam (3 carat).
- Công dân nước ngoài và công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài vào Việt Nam có kim loại quý, đá quý có thể bán cho các tổ chức và cá nhân được phép kinh doanh vàng bạc hoặc tặng cho người thân ở trong nước, khi xuất cảnh chỉ được mang theo kim loại quý, đá quý tối đa bằng số lượng, trọng lượng và chất lượng đã mang vào khi nhập cảnh, trường hợp mang ra những tư trang, hàng mỹ nghệ bằng bạc, mạ vàng, mạ bạc mua tại Việt Nam thì phải xuất trình hoá đơn mua hàng.
12. VỀ THƯỞNG
(điều 18)
A) Những tổ chức và cá nhân có công phát hiện và truy bắt hoặc giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm trong việc tìm ra các vụ vi phạm điều lệ quản lý ngoại hối đều được thưởng bằng tiền Việt Nam với mức từ 5 đến 10% trị giá tang vật phạm pháp bị xử lý tịch thu hoặc tiền phạt (nếu có).
B) Việc xét thưởng chỉ được thực hiện sau khi có quyết định xử lý tịch thu hay phạt của cơ quan có thẩm quyền.
- Tiền thưởng cho tổ chức và cá nhân có công tham gia phát hiện và bắt giữ được trích từ giá trị tang vật bị xử lý tịch thu hoặc tiền phạt (nếu có) trước khi chuyển nộp vào Ngân sách Nhà nước Trung ương.
- Trường hợp trong một vụ phạm pháp, vừa có quyết định xử lý tịch thu, vừa có xử lý phạt tiền thì mức thưởng bằng tiền Việt Nam cũng không quá 10% tổng giá trị của tang vật và tiền phạt.
C) Về nguyên tắc cơ quan xử lý đồng thời là cơ quan xét thưởng. Riêng những vụ phạm pháp do Toà án nhân dân các cấp xử lý thì việc xét thưởng do Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, khu vực giải quyết.
Đối với những vụ do Hải quan khởi tố thì Hải quan xét thưởng.
13. VỀ PHẠT
(điều 19)
Đối với tổ chức hay cá nhân vi phạm điều lệ quản lý ngoại hối tuỳ theo mức độ và tính chất nặng nhẹ mà cơ quan xử lý áp dụng các hình thức xử phạt sau đây:
- Phê bình, cảnh cáo.
-Tịch thu một phần hay toàn bộ tang vật phạm pháp.
- Phạt tiền từ một đến năm lần trị giá tang vật phạm pháp.
- Truy tố trước pháp luật theo Bộ luật hình sự của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
14. VỀ TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN XỬ LÝ
(điều 20)
A) Những vụ vi phạm điều lệ quản lý ngoại hối tại các cửa khẩu (sân bay, hải cảng, đường bộ, bưu điện) nơi có Hải quan thì do cơ quan Hải quan xử lý, đồng thời thông báo cho Ngân hàng Nhà nước đồng cấp.
B) Những vụ vi phạm điều lệ quản lý ngoại hối ở những nơi khác trên lãnh thổ Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, khu vực xử lý. Trường hợp có khiếu nại về xử lý thì Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, khu vực chuyển toàn bộ hồ sơ xử lý về Ngân hàng Nhà nước Trung ương để Tổng giám đốc xem xét và quyết định cuối cùng.
C) Những trường hợp phạm pháp nghiêm trọng thì bị truy tố theo bộ luật hình sự do toà án nhân dân các cấp xử lý.
D) Các cơ quan có trách nhiệm xử lý phải hoàn thành việc xử lý trong thời hạn ngắn nhất nhưng tối đa không quá hai tháng kể từ khi bắt được vụ vi phạm.
15. VỀ QUẢN LÝ NGOẠI HỐI PHẠM PHÁP
(Điều 21)
A) Khi bắt được các vụ vi phạm Điều lệ quản lý ngoại hối thì phải lập biên bản bắt giữ tang vật phạm pháp, trong đó cần ghi rõ:
- Đối với ngoại tệ thì ghi tổng số tiền, loại tiền, số tiền, số sê-ri từng tờ, đặc điểm cá biệt nếu có và phải gói, niêm phong riêng.
- Đối với kim loại quý, đá quý thì ghi rõ số lượng, trọng lượng, chất lượng, hình dáng, kích thước, mầu sắc, đặc điểm cá biệt nếu có và phải gói, niêm phong riêng, không gói chung với ngoại tệ.
- Ngoại hối phạm pháp do tổ chức hoặc cá nhân bắt giữ đều phải được kiểm nhận, niêm phong và có chữ ký của tập thể hay cá nhân bắt giữ.
B) Tất cả các loại ngoại hối phạm pháp do bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào bắt giữ đều phải gửi Ngân hàng nơi gần nhất trong thời hạn tối đa không quá năm ngày làm việc kể từ ngày bắt giữ và Ngân hàng này phải chuyển về Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, khu vực (nếu là kim loại quý, đá quý) và Ngân hàng ngoại thương hoặc phòng ngoại hối (nếu là ngoại tệ) trong thời hạn tối đa không quá bảy ngày làm việc để bảo quản.
C) Khi nhận được ngoại hối phạm pháp, Ngân hàng phải lập biên bản giao nhận trên cơ sở biên bản bắt giữ. Trong biên bản giao nhận phải ghi rõ những điểm đã ghi trong biên bản bắt giữu. Nếu có phát hiện những điểm khác với biên bản bắt giữu thì phải ghi cụ thể có xác nhận của tổ chức hay cá nhân nộp ngoại hối phạm pháp. Biên bản giao nhận làm thành hai bản, một bản giao lại cho tổ chức, cá nhân bắt giữ, một bản Ngân hàng giữ.
D) Khi Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, khu vực, Ngân hàng ngoại thương hoặc phòng Ngoại hối nhận bảo quản ngoại hối phạm pháp do các Ngân hàng khác chuyển đến thì cũng phải có biên bản giao nhận. Các Ngân hàng nhận bảo quản ngoại hôí phạm pháp nói trên có trách nhiệm bảo quản theo chế độ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
E) Về hạch toán ngoại hối phạm pháp:
- Khi Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, khu vực, Ngân hàng ngoại thương hoặc Phòng ngoại hối nhận được ngoại hối phạm pháp thì tiến hành hạch toán tài khoản "tạm giữ chờ xử lý".
- Khi có quyết định xử lý, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, khu vực, Ngân hàng ngoại thương hoặc phòng ngoại hối thực hiện hạch toán như sau:
+ Nếu quyết định xử lý tịch thu toàn bộ đối với ngoại tệ thì Ngân hàng tất toán tài khoản "tạm giữ chờ xử lý" chuyển phần nộp ngân sách Trung ương về tài khoản ngoại tệ của Bộ Tài chính tại Ngân hàng ngoại thương Trung ương, con phần dành để thưởng thì Ngân hàng mua lại theo tỷ giá mua ngoại tệ của ngày xử lý và trả tiền Việt Nam cho người được thưởng. Đối với kim loại quý, đá quý thì Ngân hàng tất toán tài khoản "tạm giữ chờ xử lý" và bán lại toàn bộ tang vật đó cho Công ty kinh doanh Vàng bạc theo theo giá mua kinh doanh của ngày xử lý, đồng thời chuyển nộp số tiền thu được vào Ngân sách Nhà nước Trung ương sau khi đã trừ đi số tiền thưởng cho người được thưởng.
+ Nếu quyết định xử lý tịch thu một phần tang vật phạm pháp thì Ngân hàng tất toán tài khoản "tạm giữa chờ xử lý" hạch toán phần quyết định xử lý tịch thu như quy định ở điểm trên, phần ngoại hối còn lại thì trả lại cho đương sự.
+ Nếu quyết định trả lại toàn bộ tang vật phạm pháp cho đương sự thì Ngân hàng tất toán tài khoản "tạm giữ chờ xử lý" và trả lại cho đương sự số ngoại hối tạm giữ.
+ Nếu ngoại hối phạm pháp là ngoại tệ giả hoặc không còn giá trị lưu hành thì Ngân hàng tất toán tài khoản "tạm giữ chờ xử lý" và giữ lại số ngoại hối đó.
Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, khu vực định ký sáu tháng và hàng năm báo cáo về Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Trung ương (Vụ kinh tế đối ngoại) tình hình chấp hành Điều lệ quản lý ngoại hối ở địa phương mình.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 634/CNH-H25 ngày 10-12-1964 và Thông tư số 41/NH-TT ngày 27-3-1979 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Những quy định trước đây về quản lý ngoại hối trái với Thông tư này đều bãi bỏ.