• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày ban hành: 29/06/2024

QUỐC HỘI

---------

Nghị quyết số: 141/2024/QH15

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

---------------------

 

NGHỊ QUYẾT

Về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

 

QUỐC HỘI

 

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân số 87/2015/QH13;

Trên cơ sở kết quả chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV;


QUYẾT NGHỊ:

1. Quốc hội thống nhất đánh giá, sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc, dân chủ, trách nhiệm, tinh thần xây dựng cao, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 đã thành công tốt đẹp, thu hút được sự quan tâm của Nhân dân và cử tri cả nước. Quốc hội ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Kiểm toán nhà nước trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ trên các lĩnh vực, đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Qua chất vấn, Quốc hội nhận thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và bất cập cần khắc phục trong công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực. Quốc hội cơ bản tán thành với các giải pháp, cam kết mà Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường; Công Thương; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tổng Kiểm toán nhà nước và các thành viên khác của Chính phủ đã báo cáo tại phiên chất vấn.

2. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện các nội dung sau đây:

2.1. Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ưu tiên nguồn lực nghiên cứu, điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Trong năm 2025, tổng kết việc thi hành và nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về việc khai thác, sử dụng tài nguyên biển. Đẩy nhanh chuyển đổi số, sớm hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo quốc gia, hệ thống hỗ trợ công tác quản lý về giao, sử dụng khu vực biển. Kiện toàn, nâng cao năng lực bộ máy cơ quan quản lý tổng hợp biển, hải đảo; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực biển. Chú trọng bảo vệ các hệ sinh thái biển, đảo; phát triển các khu bảo tồn biển; xây dựng, triển khai Đề án kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải ở khu vực ven biển, trên đảo. Huy động các nguồn vốn đầu tư để phát triển các ngành kinh tế biển, đặc biệt là các ngành kinh tế biển mới.

Tập trung triển khai hiệu quả Luật Tài nguyên nước năm 2023, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước và ngăn chặn tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm và sử dụng thất thoát, lãng phí, không hiệu quả tài nguyên nước. Đẩy mạnh xã hội hoá trong bảo vệ và phát triển tài nguyên nước. Ưu tiên bố trí nguồn lực xây dựng Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia và các Hệ thống công cụ hỗ trợ ra quyết định điều hòa, phân phối tài nguyên nước trên các lưu vực sông và từ năm 2025, xây dựng, công bố Kịch bản nguồn nước trên các lưu vực sông liên tỉnh. Trong năm 2024, bảo đảm 100% hồ chứa thủy điện lớn đang vận hành được kiểm soát, giám sát trực tuyến và nghiên cứu, hoàn thiện các điều kiện kỹ thuật để hướng tới vận hành các hồ chứa lớn, quan trọng trên các lưu vực sông theo thời gian thực trong giai đoạn 2025 - 2030. Chủ động phòng, chống và có giải pháp ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất; tăng cường công tác quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo sớm thiên tai. Ưu tiên bố trí các nguồn lực, đẩy nhanh thực hiện các dự án trọng điểm về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, nhất là hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, khu vực Tây Nguyên. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính sách huy động nguồn lực thu gom nước thải, nạo vét, khơi thông dòng chảy, cải tạo cảnh quan tại các dòng sông bị ô nhiễm nghiêm trọng; ưu tiên triển khai việc xử lý, phục hồi sông Bắc Hưng Hải, sông Nhuệ - Đáy. Khẩn trương có lộ trình, giải pháp xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường tại các cụm công nghiệp, làng nghề đang hoạt động; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm. Hằng năm, bảo đảm tỷ lệ sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh của dân cư nông thôn đạt 93% đến 95%. 

Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng; chỉnh lý, hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Địa chất và khoáng sản tại Kỳ họp thứ 8 bảo đảm chất lượng. Tập trung đầu tư cho các nhiệm vụ cấp thiết, trọng tâm để bảo đảm tiến độ các quy hoạch điều tra cơ bản địa chất, khoáng sản đã được phê duyệt. Trong năm 2024, hoàn thành việc lập, phê duyệt Đề án điều tra, đánh giá tổng thể tiềm năng khoáng sản chiến lược (đất hiếm) trên lãnh thổ Việt Nam (phần đất liền). Tăng cường đấu giá quyền khai thác khoáng sản, nâng cao hiệu quả sử dụng khoáng sản. Sớm xây dựng và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu số về hoạt động khoáng sản. Có lộ trình sớm chấm dứt hoạt động các dự án khai thác, chế biến khoáng sản sử dụng công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu, đánh giá đầy đủ tác động môi trường về việc thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng đối với một số dự án giao thông, bảo đảm nguyên tắc không gây nhiễm mặn cho các khu vực lân cận; tiếp tục điều tra, đánh giá tài nguyên cát biển, thăm dò, khai thác và sử dụng cát biển trong lĩnh vực xây dựng, giao thông và các lĩnh vực khác. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm trong quản lý, thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản.

2.2. Đối với lĩnh vực công thương

Tiếp tục hoàn thiện pháp luật về thương mại điện tử và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong việc quản lý, giám sát và giải quyết tranh chấp trực tuyến trong hoạt động thương mại điện tử. Nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện quy định xác thực tài khoản người bán cá nhân và cung cấp thông tin trên các ứng dụng thương mại điện tử. Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Tăng cường hoạt động tuyên truyền để người tiêu dùng nghiên cứu kỹ thông tin sản phẩm, người bán hàng trong giao dịch trên không gian mạng. Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa trong thương mại điện tử; đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại, hành vi hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh, sản xuất hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tăng cường ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý, giám sát các trang mạng, ứng dụng thương mại điện tử và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời và chống thất thu thuế trong thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. Tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các Bộ, ngành, địa phương để khai thác thông tin, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử.

Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa thị trường ngoài nước gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm, tham gia sâu vào các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội ngành hàng để kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc về sản xuất, vận chuyển, xuất khẩu hàng hoá. Nâng cao năng lực cơ quan đại diện thương vụ, xúc tiến thương mại, cập nhật kịp thời quy định, chính sách của các thị trường ngoài nước, thông tin, khuyến nghị đối với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu. Trong năm 2024, ban hành bộ chỉ số đánh giá kết quả thực hiện Hiệp định thương mại tự do (FTA) tại các địa phương. Chú trọng công tác thông tin, cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp ứng phó, bảo vệ lợi ích trong các vụ kiện; kịp thời áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước, nhất là đối với các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chủ lực, theo quy định và phù hợp với các cam kết quốc tế. Chuẩn bị các điều kiện cần thiết hỗ trợ doanh nghiệp khai thác hiệu quả cơ hội Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len tham gia vào Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Cải cách thủ tục hành chính, vận hành tốt hệ thống cấp Giấy chứng nhận xuất xứ qua mạng và cơ chế Tự chứng nhận xuất xứ.

Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển công nghiệp; xây dựng Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ giai đoạn 2026 - 2035, tập trung phát triển các ngành điện tử thông minh, ô tô, cơ khí và tự động hóa, công nghệ cao, dệt may, da giày gắn với kinh tế xanh. Có giải pháp phát triển nguồn nhân lực, công tác nghiên cứu, thiết kế, chuyển giao công nghệ, ứng dụng chuyển đổi số, nâng cao năng lực các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ. Hoàn thiện chính sách thu hút tổ chức, cá nhân đầu tư, tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn, đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp, chế biến nông, lâm sản; xây dựng các khu công nghiệp phục vụ nông nghiệp quy mô lớn. Tập trung phát triển chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực và có lợi thế. Phát triển các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án quy mô lớn tại Việt Nam, từng bước mở rộng ra thị trường nước ngoài để khai thác tối đa lợi thế từ các FTA đã ký kết. Xây dựng, triển khai chính sách khuyến khích sử dụng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí trong nước.

2.3. Đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch

Tổ chức thực hiện hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về văn hoá trong các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, đề án đã được ban hành, nhất là bảo tồn và phát triển các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách, pháp luật về văn hóa; tập trung hoàn thiện dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, ngăn ngừa nguy cơ mai một văn hóa của các dân tộc thiểu số, đặc biệt là các dân tộc thiểu số rất ít người và phát triển mạng lưới thiết chế văn hóa, thể thao, chú trọng hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở. Tăng cường đầu tư gắn với đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tuyển chọn, đào tạo, sử dụng, thu hút nguồn nhân lực trong các lĩnh vực nghệ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật đặc thù. Khẩn trương sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách về chế độ tiền lương, phụ cấp nghề, chế độ bồi dưỡng đối với người làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Tiếp tục triển khai hiệu quả các đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật đã được phê duyệt. Tăng cường hợp tác quốc tế với các đối tác có năng lực, uy tín về đào tạo nghệ thuật, đẩy mạnh việc phổ biến tác phẩm của Việt Nam ra nước ngoài.

Thực hiện nghiêm Kết luận số 70-KL/TW ngày 31/01/2024 của Bộ Chính trị về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới. Khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển sự nghiệp thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xây dựng chiến lược, kế hoạch dài hạn, đồng bộ, đầu tư trọng tâm, trọng điểm phát triển thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao; hoàn thiện hệ thống phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, chăm sóc sức khỏe, y tế đối với đội ngũ huấn luyện viên, vận động viên trình độ quốc gia, quốc tế, nhất là đối với các môn thể thao Olympic trọng điểm. Sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng tập luyện và các ưu đãi khác đối với vận động viên, huấn luyện viên tài năng, nhân tài trong lĩnh vực thể dục, thể thao và vận động viên sau thời kỳ thi đấu đỉnh cao, chuyên nghiệp. Tôn vinh và đãi ngộ xứng đáng các vận động viên xuất sắc. Có giải pháp hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề cho vận động viên sau khi kết thúc thời kỳ thi đấu đỉnh cao. Khuyến khích phát triển thể dục, thể thao quần chúng, chú trọng xây dựng nơi vui chơi, luyện tập thể dục thể thao cộng đồng. Khẩn trương có giải pháp tháo gỡ về cơ chế, chính sách, phát huy hiệu quả hoạt động của Khu Liên hợp thể thao quốc gia. Xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực thể dục, thể thao.

Sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và việc thực hiện Luật Du lịch số 09/2017/QH14. Triển khai thực hiện Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia, thương hiệu du lịch vùng và thương hiệu điểm đến du lịch gắn với bảo vệ môi trường, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, truyền thống, nét đẹp đất nước, con người Việt Nam; nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam, đẩy mạnh thu hút du khách quốc tế. Đổi mới và thực hiện tốt chính sách, nhiệm vụ về phát triển sản phẩm du lịch mới, nhất là các đề án về phát triển sản phẩm du lịch đêm tại các địa bàn trọng điểm, du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn. Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, quản lý chặt chẽ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch. Đẩy mạnh và thực hiện hiệu quả chuyển đổi số trong ngành du lịch. Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả xúc tiến, quảng bá du lịch; đẩy mạnh truyền thông về chính sách thị thực mới của Việt Nam. Có giải pháp khắc phục các tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước, phát huy vai trò của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. 

2.4. Đối với lĩnh vực kiểm toán

2.4.1. Đối với Kiểm toán nhà nước

Rà soát, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Kiểm toán nhà nước và các văn bản liên quan đến chuẩn mực kiểm toán nhà nước, quy trình kiểm toán, hồ sơ kiểm toán. Đẩy mạnh thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030; tập trung kiểm toán những vấn đề “nóng”, được dư luận xã hội, Quốc hội và cử tri quan tâm. Cung cấp kịp thời báo cáo kiểm toán cho cơ quan có thẩm quyền phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, điều tra. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới phương pháp và cách thức tổ chức thực hiện kiểm toán, từng bước chuyển đổi từ cách tiếp cận kiểm toán truyền thống sang cách tiếp cận kiểm toán số dựa trên nền tảng dữ liệu lớn với sự hỗ trợ của công nghệ.

Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về Kiểm toán nhà nước. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, đặc biệt là chất lượng kết luận, kiến nghị kiểm toán. Thường xuyên đôn đốc, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, đặc biệt là làm rõ, xử lý dứt điểm các kết luận, kiến nghị đã tồn đọng nhiều năm. Có biện pháp xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật đối với việc các Đoàn Kiểm toán đưa ra kết luận, kiến nghị không đầy đủ căn cứ pháp lý, thiếu bằng chứng. Thực hiện công khai kết quả kiểm toán, công khai danh sách các tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kết luận, kiến nghị kiểm toán. Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về kết quả thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán kết nối liên thông với Bộ, ngành, địa phương, đơn vị.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực thi công vụ, quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp của kiểm toán viên; đề cao vai trò người đứng đầu, Tổ trưởng Tổ Kiểm toán, Trưởng Đoàn Kiểm toán, phát hiện, chấn chỉnh và xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực. Thực hiện nghiêm các quy định về luân chuyển, điều động cán bộ, kiểm toán viên. Tiếp tục chủ động phối hợp với Thanh tra Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương để hạn chế trùng lặp, chồng chéo ngay từ khâu xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra, kế hoạch kiểm toán hằng năm.

2.4.2. Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ

Chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng cơ chế xử lý chung đối với các kết luận thanh tra, kiến nghị kiểm toán không còn khả năng thực hiện do cơ quan, đơn vị phá sản, giải thể hoặc cá nhân đã chết, mất năng lực hành vi dân sự và các trường hợp bất khả kháng khác. Báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện khi trình quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023.

2.4.3. Đối với các Bộ, ngành địa phương, đơn vị được kiểm toán

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tài chính công, tài sản công. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán về xử lý tài chính, xử lý khác và sửa đổi văn bản quy phạm pháp luật; kiểm điểm trách nhiệm tổ chức, cá nhân và xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kết luận, kiến nghị kiểm toán, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra sai phạm, gây thất thoát ngân sách nhà nước và tài sản nhà nước. Rà soát, nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ các vướng mắc trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán.

3. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Tổng Kiểm toán nhà nước, các cơ quan, tổ chức hữu quan, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết; Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường; Công Thương; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Tổng Kiểm toán nhà nước xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết và báo cáo Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết tại các kỳ họp sau.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm giám sát kết quả thực hiện Nghị quyết này.

 


Nghị quyết này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, Kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2024.

 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

 

(đã ký)

 

 

Trần Thanh Mẫn