CÔNG VĂN
CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 3392/LĐTBXH-BHXH NGÀY 20 THÁNG 8 NĂM 1994 VỀ VIỆC QUY ĐỊNH
HỒ SƠ ĐỂ XÉT HƯỞNG BHXH
KÍNH GỬI: SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI CÁC TỈNH,
THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
Thực hiện Nghị quyết số 38/CP, ngày 4-5-1994 của Chính phủ về cải cách một bước thủ tục hành chính trong việc giải quyết công việc của công dân và tổ chức.
Căn cứ Thông tư số 04-TBXH ngày 29-4-1983 của Bộ Thương binh và Xã hội (nay là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) quy định quy trình lập hồ sơ để hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn rõ thêm một số điểm khi tiếp nhận hồ sơ để xét duyệt hưởng trợ cấp bảo hiểm xã hội như sau:
1. Các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc tổ chức Bảo hiểm xã hội, khi tiếp nhận hồ sơ của công nhân, viên chức khu vực Nhà nước quản lý, các cơ quan, các đơn vị quân đội, công an; người lao động hưởng lương từ các doanh nghiệp, cần kiểm tra kỹ các điều kiện về: tuổi đời, thời gian làm việc đóng bảo hiểm xã hội; chức danh, nghề nghiệp nặng nhọc độc hại; nơi làm việc; chức vụ đảm nhận; mức độ suy giảm khả năng lao động; chuyển biến các mức tiền lương của 10 năm trước khi nghỉ hưu.
2. Cơ sở pháp lý để đối chiếu, kiểm tra theo các điều kiện nói trên là phải căn cứ vào lý lịch của công nhân, viên chức, của quân nhân, công an nhân dân, hợp đồng lao động khai khi bắt đầu và làm việc hoặc nhập ngũ đã được cơ quan đơn vị, doanh nghiệp quản lý trực tiếp xác nhận kể cả đối với công nhân, viên chức thuộc khu vực Nhà nước, quân nhân chuyển ra làm việc ở các đơn vị thuộc các thành phần kinh tế ngoài khu vực Nhà nước.
Trường hợp những người trong lý lịch gốc khai chưa rõ về điều kiện nào đó hoặc mất lý lịch gốc, cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp trực tiếp quản lý phải bằng mọi cách làm rõ các điều kiện và được quy định trong các văn bản Nhà nước, kể cả về địa phương nơi người đó sinh ra hoặc đơn vị trước người đó đã làm việc để xác nhận và chịu trách nhiệm trước pháp luật về các xác nhận đó.
3. Các mức tiền lương để tính lương hưu phải căn cứ vào quyết định xếp lương hoặc nâng bậc lương và được kèm theo hồ sơ để xem xét. Nếu không có các quyết định xếp lương hoặc nâng bậc lương kèm theo hoặc không ghi vào sổ lương thì cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phải đưa ra được những căn cứ pháp luật của Nhà nước.
Riêng đối với các mức tiền lương theo chế độ tiền lương mới tại Quyết định số 35/NQ-UBTVQHK9, ngày 25-3-1993, quyết định số 69/QĐ-TW ngày 17-5-1993 và tại các Nghị định số 25/CP và 26/CP, ngày 23-5-1993 do các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp quyết định, phải đúng với các thoả thuận của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội - Tài chính - Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ đối với các Bộ, ngành, địa phương.
Nếu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nào chưa làm đầy đủ thủ tục theo quy định thì chưa tiếp nhận hồ sơ để làm thủ tục hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội.
4. Sau khi xét duyệt, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, gửi hồ sơ về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Vụ Bảo hiểm xã hội) ba tháng một lần vào tháng đầu của quý sau.
Đối với những trường hợp đặc biệt, Sở không thể giải quyết được thì yêu cầu các Sở báo cáo ngay về Bộ xem xét giải quyết.