• Hiệu lực: Chưa ban hành
  • Ngày ban hành: 05/07/1994

CÔNG VĂN

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 2642/BHXH NGÀY 5 THÁNG 7 NĂM 1994 VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN GIẢI QUYẾT LƯƠNG HƯU
VÀ CÁC CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI

 

KÍNH GỬI: SỞ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI CÁC TỈNH,
THÀNH PHỐ TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG

 

Để thực hiện thống nhất một số nội dung về điều chỉnh lương hưu, về chế độ mất sức lao động và một số chế độ khác, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể như sau:

 

1. Điều chỉnh lương hưu theo Thông tư số 06/TT-LB ngày 4-2-1994 đối với lực lượng công an và cơ yếu:

a. Đối với công an nhân dân: Theo quy định tại Quyết định 47/CP ngày 21-2-1975 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Thủ tướng Chính phủ) Công an nhân dân là lực lượng vũ trang của Đảng và Nhà nước nên từ 1/1/1975 trở đi công an nhân dân (bao gồm cảnh sát và an ninh) nghỉ hưu đều thực hiện chế độ như đối với quân nhân, vì vậy công an nhân dân nghỉ hưu từ 1-1-1975 trở đi mức điều chỉnh lương hưu bằng 192% (trừ công nhân viên công an điều chỉnh như công nhân, viên chức). Riêng đối với những người trong lực lượng công an về nghỉ hưu trước ngày 1-1-1975 thực hiện theo Thông tư số 36/TTg ngày 22-4-1964 của Thủ tướng Chính phủ, thì mức lương điều chỉnh như sau:

- Cán bộ công an nhân dân có quân hàm (kể cả cảnh sát nhân dân thuộc Ty công an đường sắt cũ) được phong cấp theo Pháp lệnh cảnh sát nhân dân năm 1962, được điều chỉnh mức 192%.

- Cán bộ công an giữ chức vụ phụ trách chưa phong cấp hàm nhưng được hưởng phụ cấp chức vụ lãnh đạo gồm 6 đối tượng: Cục trưởng, cục phó, trưởng ty, phó ty công an tỉnh, thành phố; trưởng huyện, phó huyện công an cũng được điều chỉnh mức 192%.

- Những người không giữ chức vụ phụ trách được xếp vào ngạch chuyên viên, cán sự (cán bộ chuyên môn, công nhân phục vụ cơ quan, công nhân viên ngành công an và nhân viên làm công tác tạp vụ) không được xác định cấp bậc và sắp xếp vào các mức lương theo Thông tư số 36/TTg thì thực hiện điều chỉnh như công nhân, viên chức Nhà nước nghỉ hưu.

b. Đối với cán bộ nhân viên cơ yếu nghỉ hưu hưởng lương theo quy định 131/CT ngày 22-5-1986 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nếu trong Quyết định nghỉ hưu có ghi rõ cấp hàm hoặc có ghi rõ hưởng lương hàm an ninh hoặc những người nghỉ hưu từ 22-5-1986 trở đi tuy không ghi rõ cấp hàm, mức lương hàm an ninh nhưng trước khi nghỉ hưu đang làm công tác chuyên môn nghiệp vụ cơ yếu thì được điều chỉnh mức 192%. Số còn lại điều chỉnh theo mức như công nhân viên chức Nhà nước.

 

2. Về chế độ nghỉ mất sức lao động: Các chế độ đối với người về nghỉ mất sức lao động vẫn thực hiện theo Quyết định 60/HĐBT và các văn bản hướng dẫn của Bộ, nay nhắc lại để các Sở thực hiện thống nhất như sau:

Đối với một số trường hợp do mắc bệnh nặng, do ốm đau kéo dài dẫn đến tàn phế còn đang hưởng trợ cấp hàng tháng thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giới thiệu đi giám định sức khoẻ, nếu được kết luận mất sức từ 81% trở lên thì giải quyết cho tiếp tục hưởng trợ cấp. Một số trường hợp đặc biệt khác như: hai vợ chồng đều thuộc diện hết thời hạn hưởng trợ cấp, không có nguồn thu nhập khác mà do ốm đau, đông con, hoặc thân nhân liệt sĩ già yếu không còn khả năng lao động; những người có số năm công tác ở chiến trường hoặc nơi khó khăn, gian khổ, ác liệt nhưng còn thiếu 1 tháng theo quy định, hoặc tuổi đời còn thiếu 1 tháng theo quy định thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nghiên cứu giải quyết.

 

3. Chế độ tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp: người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp từ 21% trở lên được xếp hạng thương tật (cũ) hưởng trợ cấp hàng tháng đồng thời được hưởng chế độ lương hưu thì ngoài lương hưu, vẫn được hưởng 100% trợ cấp thương tật hàng tháng theo quy định cho từng hạng thương tật tại Thông tư số 13/TT-LB ngày 2-6-1993 và Thông từ 06/TT-LB ngày 2-3-1994; nếu được xếp hạng 1 có xác nhận của Hội đồng giám định y khoa thì được hưởng trợ cấp người phục vụ bằng 96.000 đ/tháng.

 

4. Về chế độ tiền tuất:

- Đối với công nhân, viên chức và quân nhân trong lực lượng vũ trang (tại chức và đã về hưu, người nghỉ mất sức lao động, tai nạn lao động hạng 1, hạng 2; bệnh nghề nghiệp hạng 1, hạng 2 đang hưởng trợ cấp hàng tháng) nếu từ trần từ 1-1-1994 trở đi thì mức tiền mai táng thực hiện theo quy định mới bằng 840.000 đồng, nếu trước đây cấp chưa đủ thì các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ vào hồ sơ để trả thêm phần chênh lệch cho gia đình (người lo mai táng).

Nếu người chết mà không còn thân nhân hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng thì trả trợ cấp 1 lần. Nhiều nhất không quá 12 tháng theo quy định tại Nghị định số 43/CP ngày 22-6-1993 và Nghị định số 46/CP ngày 4-6-1994 của Chính phủ và các Thông tư số 313, số 02 và số 21/TT-LB của Liên Bộ đã hướng dẫn.

Đối với cán bộ hoạt động cách mạng trước 1945 hưởng lương, lương hưu, hoặc trợ cấp mất sức lao động hàng tháng được hưởng trợ cấp ưu đãi từ trần thì định suất tiền tuất hàng tháng hoặc trợ cấp tuất một lần thực hiện như đối với tiền tuất của thân nhân liệt sĩ. Đối với cán bộ hoạt động ở xã phường, hưởng sinh hoạt phí nếu chết thì chỉ được hưởng trợ cấp mai táng phí.

 

Quá trình thực hiện, nếu còn vướng mắc, đề nghị các Sở Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để nghiên cứu hướng dẫn.