• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày ban hành: 14/05/1990
  • Ngày có hiệu lực: 14/05/1990

CÔNG VĂN

CỦA BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI SỐ 1153/LĐTBXH-BTXH NGÀY 14 THÁNG 5 NĂM 1990 VỀ VIỆC TRẢ LƯƠNG HƯU,
TRỢ CẤP TB, BB ĐI NƯỚC NGOÀI

 

Kính gửi: Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hải Phòng

 

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời công văn ngày 31/3/1990 của Sở về việc ghi ở trích yếu như sau:

 

1. Những người hưởng lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động, thương binh, bệnh binh đã xuất cảnh trái phép sang các nước tư bản, nay được Nhà nước ta tiếp nhận trở lại cư trú tại quê hương thì được tiếp tục hưởng lương hưu hoặc trợ cấp hàng tháng theo quy định hiện hành. Thời gian được hưởng lại lương hưu hoặc trợ cấp kể từ ngày Sở ký quyết định.

 

2. Những người được hưởng lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động, thương binh, bệnh binh xin ra nước ngoài và được Nhà nước ta cho phép xuất cảnh thì giải quyết như sau:

A) Những người hưởng lương hưu và những người hưởng trợ cấp mất sức lao động (thuộc đối tượng đặc biệt quy định tại quyết định số 60/HĐBT ngày 1/3/1990 của Hội đồng Bộ trưởng), nếu có đơn tự nguyện thì trả trợ cấp 1 lần, cứ 1 năm công tác quy đổi được trợ cấp bằng 1 tháng lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động, trừ đi số năm đã hưởng lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động (cứ 1 năm được hưởng trợ cấp bảo hiểm trừ 1 tháng trợ cấp). Riêng những người hưởng trợ cấp mất sức lao động có thời hạn thì tính theo thời gian được hưởng trợ cấp, trừ đi thời gian đã hưởng trợ cấp hàng tháng.

- Trường hợp người đi nước ngoài không nhận trợ cấp 1 lần thì được uỷ nhiệm cho thân nhân như: bố (hoặc mẹ), vợ (hoặc chồng), con đẻ, nhận trợ cấp hàng tháng. Uỷ nhiệm trợ cấp chỉ có giá trị trong 6 tháng, nếu người đi nước ngoài tiếp tục uỷ nhiệm thì phải có giấy uỷ nhiệm khác. Riêng những người hưởng trợ cấp mất sức lao động thì có thời gian được uỷ nhiệm tối đa bằng thời hạn được hưởng trợ cấp.

B) Đối với thương binh, bệnh binh được phép xuất cảnh ra nước ngoài thì được uỷ nhiệm cho thân nhân (bố, mẹ, vợ hoặc chồng, con) nhận lĩnh trợ cấp, giấy uỷ nhiệm có giá trị trong 6 tháng kể từ khi đối tượng ra đi, nếu người đi nước ngoài tiếp tục uỷ nhiệm thì phải có uỷ nhiệm khác.

Riêng đối với bệnh binh (trừ những bệnh binh được miễn giám định lại sức lao động theo định kỳ được quy định tại thông tư 48/TBXH, ngày 30/9/1985 của Bộ), thì thời gian thân nhân được uỷ nhiệm lĩnh trợ cấp tối đa là 2 năm.

 

3. Những người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hàng tháng ở trong nước thì không giải quyết trợ cấp 1 lần mà giải quyết lương hưu hoặc trợ cấp mất sức lao động hàng tháng theo quy định của Nhà nước.