• Hiệu lực: Hết hiệu lực
  • Ngày ban hành: 16/01/1961
  • Ngày có hiệu lực: 01/04/1961

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ SỐ 04/CP NGÀY 16 THÁNG 1 NĂM 1961
BAN HÀNH BẢN ĐIỀU LỆ ĐĂNG KÝ HỘ TỊCH

 

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

 

Theo đề nghị của ông Bộ trưởng Bộ Nội vụ;

Căn cứ nghị quyết của Hội đồng Chính phủ trong phiên họp Hội nghị Thường vụ của Hội đồng Chính phủ ngày 16 tháng 12 năm 1960;

NGHỊ ĐỊNH

 

Điều 1: Nay bãi bỏ bản điều lệ đăng ký hộ tịch kèm theo nghị định của Thủ tướng Chính phủ số 764/TTg ngày 8 tháng 5 năm 1956, và ban hành bản điều lệ đăng ký hộ tịch mới kèm theo Nghị định này.

Bản điều lệ đăng ký hộ tịch mới này sẽ được thi hành kể từ ngày 1 tháng 4 năm 1961.

 

Điều 2: Uỷ ban hành chính các khu tự trị và Uỷ ban hành chính các khu, tỉnh trực thuộc Trung ương có vùng dân tộc thiểu số sẽ căn cứ vào bản điều lệ này mà quy định những điểm châm chước cho thích hợp với hoàn cảnh, phong tục, tập quán của miền núi, quy định này phải được Hội đồng Chính phủ phê chuẩn.

 

Điều 3: Ông bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết và hướng dẫn Uỷ ban hành chính các cấp thi hành bản điều lệ kèm theo Nghị định này.

 

 

ĐIỀU LỆ

ĐĂNG KÝ HỘ TỊCH

 

CHƯƠNG I
ĐĂNG KÝ VIỆC SINH

 

Điều 1: Trong hạn 30 ngày kể từ ngày đẻ con, cha hay mẹ phải khai sinh cho con tại Uỷ ban hành chính cơ sở nơi cư trú.

 

Nếu cha hay mẹ không đi khai đựoc thì phải nhờ người thân thuộc, ngưòi láng giềng, ngưòi bạn đi khai thay, trong thời hạn nói trên.

 

Điều 2: Khi khai sinh phải xuất trình giấy chứng sinh do cơ quan y tế đã đỡ đẻ cấp. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì có thể xuất trình giấy chứng nhận do người chịu trách nhiệm về hành chính ở xóm, bản, phố hay cơ quan, xí nghiệp , công, nông trường cấp.

Khi khai sinh phải khai rõ:

-Họ và tên của đứa trẻ.

- Trai hay gái.

- Ngày, tháng, năm sinh.

- Nơi sinh.

- Họ tên, tuổi, quốc tịch, dân tộc, nghề nghiệp, chỗ ở của cha mẹ.

- Họ tên, tuổi, chỗ ở, số và ngày cấp giấy chứng minh (nếu có) của người đứng khai.

 

Điều 3: Con ngoài giá thú cũng phải khai sinh.

 

Điều 4: Trường hợp trẻ con mới đẻ bị bỏ rơi, thì người trông thấy đầu tiên có nghĩa vụ tạm thời bảo vệ đứa trẻ và báo ngay cho Uỷ ban hành chính hoặc Công an cơ sở gần nhất. Uỷ ban hành chính đứng khai sinh và tìm người nuôi đứa trẻ.

 

CHƯƠNG II
ĐĂNG KÝ VIỆC TỬ

Điều 5: Khi có người chết, bất cứ người lớn hay trẻ con, thì trong hạn 24 giờ kể từ khi người chết tắt thở, người thân thuộc phải khai tử với Uỷ ban hành chính cơ sở nơi xảy ra việc chết. Trường hợp không có người thân thuộc hoặc người đó vắng mặt, thì người ở cùng nhà, người láng giềng, hoặc người có trách nhiệm trong cơ quan, xí nghiệp, công, nông trường nơi có ngưòi chết phải khai tử.

Nếu chết tại nơi cư trú, thì Uỷ ban hành chính cơ sở ấy đăng ký ngay vào sổ khai tử.

Thông thường nếu cư trú một nơi, chết một nơi khác, thì Uỷ ban hành chính cơ sở nơi xảy ra việc chết nhận việc khai tử,nhưng không đăng ký và trong hạn 24 giờ sau phải báo cho Uỷ ban hành chính nơi cư trú của người chết biết để Uỷ ban hành chính này đăng ký vào sổ khai tử. Trường hợp không rõ nơi cư trú của người chết thì Uỷ ban hành chính cơ sở nơi xảy ra việc chết, đăng ký ngay vào sổ khai tử.

 

Điều 6: Trường hợp trẻ con đẻ ra rồi mới chết thì phải vừa đăng ký vào sổ khai sinh vừa đăng ký vào sổ khai tử.

Trường hợp trẻ con đẻ ra đã chết thì không khai sinh và không khai tử.

 

Điều 7: Khi khai tử, phải khai rõ:

- Họ, tên, quốc tịch, dân tộc, nghề nghiệp, chỗ ở, ngày, tháng, năm sinh hay tuổi của người chết.

- Nam, hay nữ.

- Ngày, tháng, năm nơi chết.

- Nguyên nhân chết.

- Họ, tên, chỗ ở, số và ngày cấp giấy chứng minh (nếu có) của người đứng khai.

CHƯƠNG III
ĐĂNG KÝ VIỆC KẾT HÔN

 

Điều 8: Việc kết hôn phải đựơc Uỷ ban hành chính cơ sở nơi cư trú của bên nam hoặc bên nữ công nhận và đăng ký vào sổ kết hôn.

 

Điều 9: Muốn xin đăng ký kết hôn, nam và nữ phải khai với Uỷ ban hành chính những điểm sau:

- ý định kết hôn.

- Có đủ các điều kiện để kết hôn theo luật định.

- Đề nghị ngày đăng ký kết hôn.

Uỷ ban hành chính cơ sở phải thẩm tra lời khai và khi xét thấy hai bên nam nữ có đủ điều kiện hợp pháp để kết hôn, thì đăng ký kết hôn vào ngày do Uỷ ban hành chính và đương sự định.

Trước khi công nhận và đăng ký, Uỷ ban hành chính nhắc nhở cho hai bên rõ nghĩa vụ và quyền lợi của vợ chồng như đã quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình.

 

Điều 10: Trường hợp xét thấy nam hay nữ không đủ điều kiện để kết hôn, thì Uỷ ban hành chính không đăng ký và giải thích cho đương sự rõ lý do.

Trường hợp người tố giác việc kết hôn không hợp pháp thì Uỷ ban hành chính tạm đình chỉ việc đăng ký để điều tra thêm. Sau khi xem xét,Uỷ ban hành chính sẽ quyết định đăng ký hay không đăng ký.

Trường hợp giữa Uỷ ban hành chính và đôi nam nữ có sự bất đồng ý kiến mà không giải quyết được, đương sự có quyền đề nghị lên Uỷ ban hành chính cấp trên giải quyết.

 

Điều 11: Vợ chồng đã ly hôn nay muốn kết hôn lại với nhau cũng đăng ký kết hôn theo thủ tục nói trên.

 

 

CHƯƠNG IV
GHI CHÚ CÁC VIỆC THAY ĐỔI VỀ HỘ TỊCH

 

Điều 12: Sau khi công nhận việc nuôi con nuôi thì Uỷ ban hành chính cơ sở ghi chú việc ấy vào sổ đã đăng ký việc sinh của ngưòi con nuôi, và vào giấy khai sinh đã cấp.

Nếu trước chưa đăng ký việc sinh thì phải xin đăng ký quá hạn, rồi Uỷ ban hành chính mới ghi chú việc nuôi con nuôi vào sổ và giấy khai sinh cấp cho đương sự.

 

Điều 13: Khi nhận được đơn của cha hay mẹ nhận con ngoài giá thú hay khi nhận được bản án của Toà án nhân dân cho phép người con ngoài giá thú nhận cha hay mẹ đẻ, thì Uỷ ban hành chính cơ sở ghi chú việc ấy vào sổ đã đăng ký việc sinh của người con.

 

Điều 14: khi nhận được quyết định cho thay đổi quốc tịch, thay đổi họ, tên, chữ đệm, cải chính ngày, tháng, năm sinh, thì Uỷ ban hành chính cơ sở ghi chú sự thay đổi ấy vào sổ đã đăng ký việc sinh của đương sự.

 

Điều 15: Những sự thay đổi về hộ tịch vừa phải ghi chú vào sổ hộ tịch để ở cấp cơ sở, vừa phải ghi chú vào sổ hộ tịch để Uỷ ban hành chính huyện, châu, thị xã hoặc thành phố.