• Hiệu lực: Còn hiệu lực
  • Ngày ban hành: 07/03/1975
  • Ngày có hiệu lực: 07/03/1975

THÔNG TƯ

CỦA TỔNG CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM SỐ 10-TT.3 NGÀY 7-3-1975
HƯỚNG DẪN THI HÀNH CHẾ ĐỘ NGHỈ ĐẺ ĐỐI VỚI NỮ CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC CÔNG TÁC Ở VÙNG CAO

 

Căn cứ vào nhiệm vụ đã được quy định trong nghị định số 31-CP ngày 20-3-1963 của Hội đồng Chính phủ và sau khi thống nhất với Uỷ ban Dân tộc, Bộ Lao động, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Tổng công đoàn Việt Nam ra thông tư hướng dẫn thi hành chế độ nghỉ đẻ đối với nữ công nhân, viên chức công tác ở vùng cao như sau.

 

I. THỜI GIAN NGHỈ ĐẺ

 

Về thời gian nghỉ đẻ, điều 14 và điều 15 trong điều lệ tạm thời về các chế độ bảo hiểm xã hội đã quy định chung là 60 ngày, nếu sinh đôi được thêm 10 ngày, sinh ba được thêm 20 ngày, nữ công nhân, viên chức làm các nghề đặc biệt nặng nhọc được nghỉ thêm 15 ngày.

Để chăm lo hơn nữa nữ công nhân, viên chức công tác ở vùng cao, nghị quyết số 109-CP ngày 19-6-1973 của Hội đồng Chính phủ đã quy định nữ cán bộ, công nhân, viên chức thường xuyên công tác ở vùng cao được tăng thêm một tháng nghỉ đẻ so với thời gian quy định chung. Trong điều kiện của ta hiện nay, quy định này nâng mức ưu đãi đối với nữ công nhân, viên chức công tác ở vùng cao, kể cả những nữ công nhân, viên chức này làm các nghề đặc biệt nặng nhọc, có hại sức khoẻ, lên tổng số ngày nghỉ đẻ là 90 ngày (kể cả ngày lễ và ngày chủ nhật). Ngoài ra, nếu sinh đôi, sinh ba vẫn được ghi thêm như đã quy định.

 

II. CHI TIẾT THI HÀNH

 

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Việc xác định phạm vi vùng cao phải căn cứ vào quyết định của Uỷ ban hành chính tỉnh và từ đó xác định đối tượng được hưởng thời gian nghỉ đẻ là 90 ngày. Trường hợp địa phương đã cho thi hành tăng thời gian nghỉ đẻ sau khi nhận được quyết định số 109-CP nhưng trước ngày ban hành thông tư này nay không đặt vấn đề truy hoàn tiền trợ cấp nghỉ đẻ đã tăng thêm.

Nữ công nhân, viên chức mới được điều đến công tác ở vùng cao, khi đẻ cũng được nghỉ 90 ngày.

Nữ công nhân, viên chức công tác ở vùng cao, có thai, được điều động hẳn về công tác ở địa phương khác không phải vùng cao, khi đẻ không được hưởng ưu đãi đối với vùng cao nữa.

Nhận được thông tư này đề nghị các Bộ, các ngành phổ biến trong công nhân, viên chức, và trong quá trình thực hiện, có điểm nào chưa rõ, đề nghị phản ánh cho Tổng công đoàn Việt Nam để nghiên cứu và giải quyết.